Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters vừa có những phát biểu chỉ trích việc sử dụng ngôn ngữ quân sự trong cuộc tranh luận về thương mại quốc tế, cho rằng điều này là "hư cấu" và "thiển cận", đồng thời ngầm chỉ trích hành động gần đây của Thủ tướng Christopher Luxon.
Phát biểu tại Trung tâm Đông - Tây ở Honolulu trong khuôn khổ chuyến công du Thái Bình Dương, ông Peters cho rằng cuộc tranh luận gần đây về cách thức hoạt động của thương mại quốc tế đang bị hiểu sai. Ông nhấn mạnh, việc dùng các từ ngữ như "chiến tranh thương mại", "chiến đấu" đã làm gia tăng căng thẳng không cần thiết.
Từ Tonga vào thứ Sáu tuần trước, ông Peters đã công khai chỉ trích việc Thủ tướng Luxon gọi điện cho các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về chính sách thuế quan của Mỹ mà không tham khảo ý kiến ông trước.
Hướng tiếp cận thận trọng của New Zealand
Trong bài phát biểu, ông Peters nhấn mạnh cam kết lâu dài của New Zealand với khu vực Thái Bình Dương, khẳng định đất nước ông sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia trong khu vực để xây dựng một tương lai an toàn, thịnh vượng và bền vững.
"Chúng ta đang sống trong thời điểm quan trọng, đầy bất ổn và lo âu trong các vấn đề toàn cầu", ông nói. "Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, rất dễ để phản ứng một cách thái quá, vạch rõ ranh giới và chọn phe phái. Nhưng điều đó không giúp giải quyết vấn đề."
Ông cũng nhắc đến chuyến thăm thiết giáp hạm USS Missouri – nơi từng đánh dấu sự kết thúc Thế chiến II tại Thái Bình Dương – để nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu.
Phản đối cách tiếp cận đối đầu
Peters cho rằng, là một quốc gia nhỏ, New Zealand cần thận trọng, khiêm tốn và thực tế trong các quyết định về chính sách đối ngoại. “Hãy để bụi lắng xuống trước khi đưa ra những lựa chọn mà sau này chúng ta có thể hối tiếc.”
Trong khi đó, Thủ tướng Luxon lại bày tỏ lo ngại về tình trạng bất ổn do chính sách thuế quan của Mỹ gây ra.
Ông cho biết: "Điều đáng lo là sự rút lui khỏi các quy tắc đã thống nhất, có nguy cơ kéo cả thế giới vào một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Điều này sẽ làm chậm tăng trưởng, ảnh hưởng đến việc làm và tiền trong túi người dân."
Hợp tác nhưng không đối đầu
Peters thừa nhận giữa Mỹ và New Zealand không phải lúc nào cũng đồng thuận. Tuy nhiên, ông cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược này cần dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
"Chúng ta có quyền theo đuổi chính sách đối ngoại riêng, nhưng không cần thiết phải đối đầu hay thô lỗ với nhau như từng xảy ra trong thập niên 1980", ông nhấn mạnh.
"New Zealand mong muốn tiếp tục hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và bền vững."
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran