Năm 2024, Aotearoa (New Zealand) đã thu về 172 triệu đô từ xuất khẩu nông sản sang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – chủ yếu chỉ từ ba loại trái cây: táo, kiwi và cherry. Tuy nhiên, một hiệp định đối tác chiến lược toàn diện mới được ký hồi tháng 2 đã mở ra hy vọng cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của New Zealand tiếp cận thị trường Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh nhất này.
Việt Nam – thị trường hấp dẫn cho trái cây New Zealand
Việt Nam đã chi 3,13 tỷ đô để nhập khẩu trái cây và rau củ trong năm 2019, là một thị trường mở và cạnh tranh cao đối với các nhà xuất khẩu. Trong năm qua, táo New Zealand đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai vào Việt Nam sau Trung Quốc, đạt giá trị 126 triệu đô. Kiwi xếp thứ hai với 30 triệu đô và cherry đạt 10 triệu đô.
Công ty gia đình Heartland Fruit (Richmond, Tasman) cho biết họ đã thu được 7,8 triệu đô từ xuất khẩu táo sang Việt Nam trong năm ngoái.
Ông Brendon Osborn, giám đốc kinh doanh và tiếp thị của công ty chia sẻ:
“Táo của chúng tôi đi qua các chợ đầu mối tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Từ đó, chúng tiếp tục được phân phối ra khắp các tỉnh, thậm chí sang Campuchia và Lào. Do đó, trái cây phải đủ sức ‘chịu đựng’ hành trình dài từ 4 đến 6 tuần trên biển.”

Chi phí xuất khẩu cao nhưng cơ hội còn lớn
Dù cơ hội lớn, nhưng ông Osborn cũng nhấn mạnh chi phí xuất khẩu trái cây tươi khá cao – bao gồm vận chuyển, phí cảng, logistics, tuân thủ tiêu chuẩn...
“Chuỗi cung ứng phải đảm bảo mọi bên cùng có lợi nhuận, nếu không thì chuỗi sẽ không thể tồn tại,” ông nói.
Trái cây nào sẽ tiếp bước vào thị trường Việt Nam?
Theo bà Karen Morrish – CEO của New Zealand Apples and Pears, sau thành công của táo, ngành đang thúc đẩy mở cửa thị trường cho lê.
“Chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ với phía Việt Nam thông qua táo. Điều tiếp theo là giới thiệu sự khác biệt và chất lượng của lê New Zealand tới người tiêu dùng.”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn New Zealand (MPI) xác nhận Việt Nam đang xem xét đề xuất nhập khẩu lê, và kế tiếp sẽ là bơ và các loại trái cây mùa hè như mận, đào...
Ông Steve Ainsworth, quản lý cấp cao của MPI cho biết:
“Quy trình tiếp cận thị trường mới thường bao gồm phân tích rủi ro dịch hại, đàm phán yêu cầu kiểm dịch, và kiểm tra đánh giá trước khi xuất khẩu có thể bắt đầu.”
Hiện không có đề xuất tiếp cận nào bị Việt Nam từ chối.
Thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), các loại trái cây như chanh dây, hồng, mơ và việt quất đã được hưởng thuế suất 0% khi vào thị trường Việt Nam.
Tăng trưởng ấn tượng, thị trường đang "thèm khát" trái cây nhập khẩu
T&G Global – một trong những công ty xuất khẩu trái cây lớn nhất New Zealand – đã ký kết một thỏa thuận mở rộng phân phối táo Envy tại hệ thống WinMart tại Việt Nam, tăng 50% sản lượng chỉ trong 2 năm tới.
“Chúng tôi đã gửi 7800 tấn táo Envy tới Việt Nam năm ngoái – tăng gấp đôi trong 4 năm qua, và sẽ tiếp tục tăng gấp đôi lần nữa,” ông James Gordon, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của T&G cho biết.
T&G hiện có văn phòng tại TP.HCM và dự định mở thêm để đẩy mạnh tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng – thay vì chỉ thông qua nhà phân phối như trước đây.
Trong khi đó, Zespri – thương hiệu kiwi nổi tiếng toàn cầu – cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh tại Việt Nam. Năm 2024, họ đã cung cấp 4500 tấn kiwi trị giá 30 triệu USD, dự kiến tăng hơn 30% trong năm 2025.
Zespri đang mở rộng mạng lưới phân phối bằng việc bổ sung đối tác thứ 4 tại Việt Nam – Joybee Fruits – bên cạnh ba đối tác lâu năm gồm Tu Phương (Tony Fruits), Biovegi Vietnam và Biovegi Southern.
Tác động từ Mỹ – Cơ hội cho New Zealand?
Việc Mỹ mới đây áp thuế nhập khẩu cao hơn vào Việt Nam có thể làm thay đổi thị phần nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng táo – sản phẩm xuất khẩu lớn nhất từ Mỹ vào Việt Nam.
Bà Liz Bell – Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh ASEAN-New Zealand cho biết:
“Nếu hàng Mỹ bị cản trở, cơ hội có thể mở ra cho các quốc gia khác như New Zealand.”
Tương lai tươi sáng – nhưng vẫn còn thách thức
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đặt mục tiêu đạt 3 tỷ USD kim ngạch song phương vào năm 2026.
Cả hai quốc gia cam kết hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm cao cấp, công nghệ nông nghiệp, đổi mới sáng tạo và năng lượng tái tạo.
Việt Nam đang đầu tư mạnh vào cảng biển để trở thành trung tâm hậu cần của Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Hệ thống đánh giá dịch hại tại cảng vẫn chưa hoàn toàn điện tử hóa, nhưng hai bên đang phối hợp cải thiện để tăng tốc quy trình nhập khẩu nông sản.

Dù chịu ảnh hưởng từ yếu tố toàn cầu như lạm phát, tỷ giá, suy giảm nhu cầu tiêu dùng..., nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng gần 5% mỗi năm trong suốt hai thập kỷ qua.
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen