Phân tích – Khi các CEO bắt đầu buông lời chửi thề trong các cuộc họp báo cáo tài chính, đó là dấu hiệu cho thấy điều gì đó thực sự nghiêm trọng đang xảy ra. Đó chính là trường hợp của CEO chuỗi nội thất cao cấp Mỹ Restoration Hardware, khi cổ phiếu công ty lao dốc hơn 25% sau giờ giao dịch.
Lý do? Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố "Ngày Giải Phóng" với loạt thuế quan áp đặt lên gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu. Với những công ty phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và Việt Nam như Restoration Hardware, hệ quả đến tức thì: chi phí tăng vọt, chuỗi cung ứng đứt gãy và sự bất ổn bao trùm.
Trong khi đó, New Zealand phần nào tránh được “cơn bão” này, với hàng hóa xuất khẩu chỉ chịu mức thuế 10%. Nhưng bài học không nằm ở con số. Điều đáng lo ngại hơn là sự bất ổn ngày càng trở thành “trạng thái bình thường mới” của thương mại toàn cầu.
Đổi mới tư duy: Tự cường là chiến lược, không phải phản ứng
Những biến động do thuế quan của Trump gây ra đã khiến thị trường tài chính chao đảo, đồng thời dấy lên câu hỏi về mức độ tin cậy của hệ thống thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, một ý tưởng từng bị lãng quên nay đang được "đào mộ": khái niệm “thay thế hàng nhập khẩu” của nhà báo kiêm học giả Jane Jacobs từ thập niên 1980.
Trong tác phẩm “Cities and the Wealth of Nations”, Jacobs cho rằng tăng trưởng bền vững không đến từ bảo hộ hay trợ cấp, mà từ việc các thành phố và vùng lãnh thổ tự phát triển khả năng sản xuất những gì trước đây phải nhập khẩu.
Khái niệm này khác với chính sách "thay thế nhập khẩu" truyền thống – vốn dựa vào các rào cản thuế quan để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Mô hình của Jacobs là một quá trình phát triển tự nhiên, từ dưới lên, nơi các doanh nhân chủ động nắm bắt cơ hội để phục vụ thị trường địa phương hiệu quả hơn.
Dần dần, quá trình này tạo ra chuyên môn hóa, đổi mới, và mở ra cánh cửa xuất khẩu những sản phẩm mới.
Đại dịch COVID-19: Cú tát thức tỉnh về năng lực sản xuất nội địa
New Zealand đã nếm trải sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19. Từ vật tư y tế, bao bì, tăm bông xét nghiệm cho tới linh kiện kỹ thuật số – khi thế giới ngừng lại, chúng ta chợt nhận ra mình không thể tự lo những thứ căn bản nhất.
Một số doanh nghiệp ứng biến nhanh chóng, số khác thì bị động. Trong nhiều trường hợp, năng lực sản xuất trong nước đơn giản là… không tồn tại.
Điều này chỉ ra một sự thật không dễ chấp nhận: Hiệp định thương mại không thể đảm bảo chủ quyền kinh tế nếu ta không có khả năng tự thân vận động khi khủng hoảng xảy ra.
Biến khủng hoảng thành cơ hội
Một số doanh nhân đang nắm bắt xu thế mới. Tại Mỹ, Jennifer Sey – nhà sáng lập thương hiệu thời trang thể thao XX-XY Apparel – cho rằng sự gián đoạn thương mại mở ra không gian để xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đạo đức và gần gũi hơn. Với cô, nội địa hóa không chỉ là phòng vệ, mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh.
Tuy nhiên, xây dựng lại năng lực sản xuất trong nước không thể làm trong một sớm một chiều. Nó cần vốn, nhân lực chất lượng và tầm nhìn dài hạn. Và các ưu đãi kiểu thuế quan – như những gì Trump đưa ra – có thể biến mất bất kỳ lúc nào.
Chính vì vậy, Jacobs không xem đây là phản ứng chính sách ngắn hạn, mà là một chiến lược phát triển dài hơi, bền vững.
New Zealand cần làm gì?
New Zealand hiện đang phụ thuộc lớn vào hàng nhập khẩu trong các lĩnh vực trọng yếu như: máy móc, dược phẩm, công nghệ số, phân bón và chế biến thực phẩm. Nếu một trong các chuỗi cung ứng này bị đứt gãy, chúng ta không chỉ gặp bất tiện – mà sẽ thực sự bị tổn thương.
Vậy giải pháp là gì?
• Xây dựng năng lực sản xuất trong nước cho các mặt hàng thiết yếu như sản phẩm y tế, bao bì, thiết bị chẩn đoán…
• Khuyến khích các startup và doanh nghiệp vừa nhỏ phát triển vật liệu thay thế phân bón, bao bì, hoặc công nghệ nội địa.
• Đầu tư vào nghiên cứu – nơi các trường đại học hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ từ phòng thí nghiệm ra thị trường.
• Tận dụng sức mạnh của mua sắm công – thông qua ưu tiên các nhà cung cấp giúp giảm phụ thuộc nhập khẩu.
• Và quan trọng nhất: phải lập bản đồ các điểm yếu của nền kinh tế. Mặt hàng nào quan trọng? Nhập từ ai? Có thể sản xuất ở đâu nếu đủ năng lực?
Tự cường không có nghĩa là tự cô lập
Đây không phải lời kêu gọi rút khỏi thương mại toàn cầu. New Zealand là một quốc gia xuất khẩu – thương mại chính là trụ cột kinh tế. Nhưng đại dịch COVID-19 và “Ngày Giải Phóng” của Trump đã cho thấy: Mở cửa mà không có lựa chọn thay thế là rủi ro lớn.
Những cú sốc sẽ còn tiếp diễn – từ đại dịch, biến đổi khí hậu cho tới địa chính trị. Và giải pháp duy nhất là nâng cao khả năng thích nghi – ngay tại quê nhà.
Jane Jacobs từng nhấn mạnh: "Kinh tế không lớn mạnh bằng cách dựng rào cản, mà bằng cách tự học cách làm ra những gì từng phải nhập khẩu – và từ đó, tạo ra những thứ mà cả thế giới sẽ cần đến."
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran