Các nhà đầu tư Kiwisaver đang được khuyến cáo không nên hoảng loạn sau khi thị trường quốc tế chao đảo bởi những thông báo mới về thuế quan của Mỹ, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ New Zealand.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra mức thuế rộng khắp được cho là "chưa từng có tiền lệ" trong đời của các nhà đầu tư hiện đại, và một số nhà quản lý quỹ cho biết họ đang điều chỉnh danh mục đầu tư để đối phó với tình hình.
Thị trường toàn cầu đã lao dốc sau tin tức vào thứ Năm (giờ New Zealand) rằng tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị áp thuế ít nhất 10%.
Theo CNN, chỉ số Dow Jones giảm 1.679 điểm, tương đương 3,98%. S&P 500 giảm 4,84% và Nasdaq lao dốc 5,97%. Cả ba chỉ số lớn đều ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2020.
Vào khoảng 11 giờ sáng thứ Sáu, chỉ số NZX50 của New Zealand giảm 1,28%.
“Rõ ràng thị trường đã không dự đoán được điều này,” ông Mike Taylor – nhà sáng lập và giám đốc đầu tư của Pie Funds – nhận định.
“Vấn đề là Trump rất khó đoán. Ông ta có thể đảo ngược một số thuế suất này ngay ngày mai. Càng kéo dài thì tác động càng lớn. Nhưng cuối cùng, mọi người sẽ phải thích nghi với một trạng thái bình thường mới.”
Ông nói rằng các đợt bán tháo có thể tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động.
Các nhà quản lý KiwiSaver có thể là quản lý chủ động (tức là họ lựa chọn đầu tư vào tài sản nào để tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư) hoặc thụ động (chỉ theo dõi các chỉ số thị trường).
Taylor cho rằng các nhà quản lý chủ động có thể đang xoay vòng danh mục đầu tư, giữ nhiều tiền mặt hơn hoặc chuyển hướng sang các khu vực khác nhau.
“Mặc dù đợt bán tháo lần này có nguyên nhân khác, nhưng thật ra cũng không khác gì những lần trước – như Covid, khủng hoảng tài chính toàn cầu hay cú sốc lạm phát 2022. Vẫn có người thắng, kẻ thua và thị trường rồi sẽ hồi phục.”
Ông John Berry – nhà sáng lập Pathfinder Asset Management – cho biết, trong những giai đoạn thị trường biến động, các nhà quản lý có thể giảm tỷ trọng tài sản tăng trưởng cao trong quỹ và chuyển sang những tài sản tăng trưởng ổn định hơn.
“Phải gạt cảm xúc sang một bên và hành động một cách lý trí, cố gắng đoán trước các diễn biến và chuẩn bị trước vị thế.”
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nhà đầu tư tăng trưởng nên kiên nhẫn vượt qua biến động thay vì hành động vì sợ hãi – và các nhà quản lý cũng nên giữ vững định hướng.
Ông cho biết không phải cổ phiếu nào cũng giảm mạnh như nhau, và có nhiều cơ hội đang mở ra. Các nhà quản lý đang dịch chuyển một phần đầu tư từ thị trường Mỹ sang châu Âu.
“Có xu hướng toàn cầu là các nhà quản lý đang giảm nhẹ tỷ trọng đầu tư vào Mỹ và tăng ở châu Âu. Điều đó phản ánh thực tế là thị trường châu Âu giảm ít hơn so với thị trường Mỹ.”
Berry cho rằng tình hình hiện tại là “hoàn toàn chưa từng có trong đời chúng ta” – về quy mô thuế quan, tốc độ áp dụng, và phạm vi áp dụng của ông Trump.
Ông nói vẫn còn rất nhiều bất ổn về cách các quốc gia khác sẽ phản ứng, liệu có áp thuế trả đũa, và liệu Mỹ có đàm phán để lùi lại lập trường hay không.
“Tình trạng này không tốt cho tăng trưởng của kinh tế Mỹ hay toàn cầu nếu sự bất định và thuế quan tiếp tục. Nhưng tôi không xem đây là thảm họa như khủng hoảng tài chính năm 2008 hay bong bóng công nghệ năm 1999 – chúng ta không có sự định giá điên rồ, cũng không có dấu hiệu kinh tế sắp lao xuống vực thẳm.”
Ông Murray Harris – trưởng bộ phận KiwiSaver của Milford – cho biết vì đã lường trước ảnh hưởng từ thuế quan, Milford đã giảm tỷ trọng đầu tư vào Mỹ, giảm đầu tư cổ phiếu và chuyển sang trái phiếu và các lĩnh vực ổn định như điện, nước và hàng tiêu dùng thiết yếu.
“Chúng tôi có thể hành động mạnh tay khi dự đoán trước được những cú sốc như thế này. Nếu nhìn vào một số công ty chúng tôi đầu tư, có công ty còn tăng 4%, 5%, thậm chí 6%.”
Harris khuyên người dân nên kiên trì nếu đã ở trong quỹ KiwiSaver phù hợp. “Nếu bạn cảm thấy mình đang ở sai quỹ, hãy tìm tư vấn.”
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nhìn xa hơn hiện tại”.
“Mọi người thường chỉ nhìn vào những gì đang diễn ra ngay bây giờ. Nhưng nếu nhìn lại GFC, Covid, hay lạm phát năm 2022, thì trong vài tuần, vài tháng, hoặc một năm, thị trường có thể giảm mạnh – 20% hoặc 30%. Nhưng nếu nhìn dài hạn, đó chỉ là một ‘vết gợn’ nhỏ trong biểu đồ.”
“Điều tồi tệ nhất là chuyển sang quỹ tiền mặt hay quỹ bảo thủ, chờ thị trường phục hồi rồi mới quay lại đầu tư.”
Ông Greg Bunkall – giám đốc dữ liệu của Morningstar – cho biết một số nhà quản lý chủ động có thể vượt trội trong đợt suy giảm này, nhưng cũng có người chỉ ngang mức trung bình và một số sẽ tụt lại.
“Tất cả phụ thuộc vào việc họ có ‘đánh trúng’ nhận định hay không. Quản lý chủ động có thể vượt xa thị trường hoặc vấp ngã, trong khi quản lý thụ động chỉ trôi theo những làn sóng của thị trường.”
Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen