Loạt thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào thứ Năm đã vấp phải những phản ứng thận trọng từ các đối tác thương mại quan trọng, cho thấy không ai muốn một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Trump gọi đây là "thuế đối ứng" (reciprocal tariffs), với mức thuế dao động từ 10% đến 49%, tuyên bố rằng Mỹ chỉ đáp trả tương xứng những gì các quốc gia khác đã làm với nền kinh tế Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
"Người nộp thuế Mỹ đã bị lợi dụng suốt hơn 50 năm qua, nhưng điều đó sẽ không còn tiếp diễn," Trump khẳng định.
Ông tuyên bố chính sách thuế này sẽ đưa việc làm và các nhà máy quay trở lại Mỹ, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến an ninh quốc gia và cách sống của người Mỹ.
"Không ai muốn chiến tranh thương mại"
Ngay sau tuyên bố của Trump, chính phủ Anh khẳng định Mỹ vẫn là đồng minh thân cận nhất của họ.
Bộ trưởng Kinh doanh Anh Jonathan Reynolds cho biết London hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại để giảm tác động từ mức thuế 10% áp dụng lên hàng hóa Anh.
"Không ai muốn một cuộc chiến thương mại, và chúng tôi vẫn muốn đạt thỏa thuận. Nhưng chính phủ sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh."
Tại châu Âu, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni gọi mức thuế 20% áp dụng lên EU là một quyết định sai lầm, khẳng định nó không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
"Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh một cuộc chiến thương mại làm suy yếu phương Tây và tạo lợi thế cho các đối thủ toàn cầu khác," Meloni tuyên bố trên Facebook.
Chính phủ Brazil tuyên bố đang cân nhắc đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quốc hội Brazil cũng nhanh chóng thông qua dự luật trả đũa, cho phép nước này áp thuế lên bất kỳ quốc gia hoặc khối thương mại nào đánh thuế lên hàng hóa Brazil.
"Không có cơ sở logic"
Một số quốc gia chỉ trích tính hợp lý của các mức thuế mà Mỹ áp đặt.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố các mức thuế mới của Mỹ "hoàn toàn không có cơ sở", nhưng khẳng định Australia sẽ không trả đũa.
"Trump nói đây là thuế đối ứng, nhưng phải là 0%, chứ không phải 10%," Albanese nói. Ông nhấn mạnh Mỹ và Australia có hiệp định thương mại tự do và Mỹ thực tế đang xuất siêu sang Australia với tỷ lệ 2:1.
Trump cũng cáo buộc Australia không cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ, dù nước này đã xuất khẩu 3 tỷ USD thịt bò sang Mỹ vào năm ngoái. Albanese giải thích rằng lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ là vì lý do an toàn sinh học, chứ không phải do hàng rào thuế quan.
Một mức thuế 29% áp lên Norfolk Island, một vùng lãnh thổ nhỏ của Australia với dân số chỉ 2000 người, cũng gây sửng sốt.
"Theo tôi biết, chúng tôi không xuất khẩu bất cứ thứ gì sang Mỹ," George Plant – đại diện chính quyền Australia tại đảo Norfolk – phát biểu. "Chúng tôi không áp thuế nhập khẩu với bất kỳ mặt hàng nào, nên thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra."
Tại New Zealand, Bộ trưởng Thương mại Todd McClay phản bác tuyên bố của Trump về mức thuế 20% đối với hàng hóa New Zealand.
"Chúng tôi không có mức thuế 20%. New Zealand có chính sách thuế rất thấp, và con số chính xác còn dưới mức 10% mà Mỹ áp dụng lên tất cả quốc gia," McClay nói.
Ông cũng nhấn mạnh New Zealand sẽ không trả đũa, vì điều đó sẽ khiến giá cả leo thang và gây lạm phát.
Mexico và Canada tạm thoát, nhưng chưa chắc an toàn
Mexico và Canada hiện không nằm trong danh sách chịu thuế mới, miễn là hàng hóa của họ đáp ứng điều kiện của hiệp định thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu ô tô 25% mà Trump công bố trước đó vẫn sẽ có hiệu lực từ nửa đêm.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết bà sẽ đợi xem các biện pháp này ảnh hưởng ra sao trước khi quyết định phản ứng.
"Đây không phải chuyện anh đánh thuế tôi thì tôi cũng đánh thuế anh. Lợi ích của chúng tôi là củng cố nền kinh tế Mexico," Sheinbaum phát biểu.
Trong khi đó, Canada đã áp thuế trả đũa nhằm đối phó với mức thuế 25% của Trump đối với thép và nhôm, vốn được ông liên kết với vấn đề buôn bán fentanyl.
EU cũng phản ứng mạnh mẽ, áp thuế lên 26 tỷ EUR (49 tỷ NZD) hàng hóa Mỹ, bao gồm cả rượu bourbon, khiến Trump đe dọa áp thuế 200% lên rượu châu Âu.
Liệu có đáng để bước vào một cuộc chiến thương mại?
Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp ở Ấn Độ, Tổng thống Chile Gabriel Boric cảnh báo rằng các biện pháp của Trump đe dọa sự ổn định thương mại toàn cầu.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro, người từng đối đầu với Trump, tuyên bố trên X rằng chủ nghĩa tự do kinh tế dựa trên thương mại tự do đã chính thức sụp đổ.
Các chuyên gia nhận định không bên nào hưởng lợi từ một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Matteo Villa, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Ý, cho rằng Châu Âu đang đứng trước ngã rẽ lớn.
"Nếu Trump thực sự áp thuế cao, EU sẽ phải đáp trả. Nhưng nghịch lý là, EU sẽ chịu thiệt nhiều hơn vì phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại."
Tuy nhiên, Villa cũng cho rằng Trump chỉ hiểu ngôn ngữ của sức mạnh, do đó EU cần phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức để buộc Trump ngồi vào bàn đàm phán và rút lại quyết định.
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen