// //]]> "Tại sao Auckland không được cảnh báo sớm hơn về cơn bão đêm qua?"

Breaking

"Tại sao Auckland không được cảnh báo sớm hơn về cơn bão đêm qua?"

Hậu bão nhiệt đới Tam: Cảnh báo bị nghi ngờ sau trận mưa lớn trong đêm ở Auckland.

Auckland đã hứng chịu những trận mưa lớn do ảnh hưởng từ tàn dư của cơn bão nhiệt đới Tam, với chuỗi các cơn giông di chuyển chậm gây mưa lớn suốt đêm từ Thứ Sáu Lễ Phục sinh đến sáng Thứ Bảy (ảnh minh họa). Ảnh: RNZ/ Calvin SamuelAuckland đã hứng chịu những trận mưa lớn do ảnh hưởng từ tàn dư của cơn bão nhiệt đới Tam, với chuỗi các cơn giông di chuyển chậm gây mưa lớn suốt đêm từ Thứ Sáu Lễ Phục sinh đến sáng Thứ Bảy (ảnh minh họa). Ảnh: RNZ/ Calvin Samuel

Người dân đã lên tiếng trên mạng xã hội về việc thông báo từ chính quyền đến quá chậm, sau khi một cơn bão giông kèm sấm sét dữ dội quét qua Auckland trong đêm Thứ Sáu.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Auckland (AEM), ông Adam Maggs, đã lên tiếng bảo vệ cơ quan này.

Ông cho biết cơ quan đã bắt đầu trao đổi với MetService vào khoảng nửa đêm Thứ Sáu Lễ phục sinh, và ngay sau đó đã phát đi cảnh báo theo dõi giông bão nghiêm trọng.

Cơ quan Cứu hỏa và Khẩn cấp cho biết họ đã nhận được hàng trăm cuộc gọi cầu cứu từ Auckland trong đêm vì ảnh hưởng của cơn bão.

Từ 11h30 tối Thứ Sáu đến 4h sáng Thứ Bảy, có tổng cộng 223 cuộc gọi liên quan đến thời tiết nhờ lực lượng cứu hỏa trợ giúp, bao gồm hai trường hợp cứu hộ do người bị mắc kẹt trong ô tô giữa dòng nước lũ – một ở Wesley và một ở Onehunga.

AEM cho biết nhiều tình huống mà lực lượng cứu hỏa phải xử lý là các xe ô tô bị kẹt trong nước lũ và cần được kéo ra ngoài.

“Điều then chốt đối với chúng tôi là đã làm việc với lực lượng Cứu hỏa và Khẩn cấp New Zealand ngay từ đầu khi các cuộc gọi bắt đầu đổ về – cùng với MetService – để nắm rõ hướng di chuyển của hệ thống bão này,” ông Maggs nói.

“Ban đầu không có dấu hiệu nào cho thấy FENZ (Fire and Emergency NZ) đang chịu áp lực hoặc tác động sẽ lớn đến mức đó. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi bắt đầu nhận được tín hiệu rằng đã có lũ lụt xảy ra.”

Tại thời điểm đó, AEM đã quyết định kích hoạt Trung tâm Điều phối Khẩn cấp (ECC), ông Maggs cho biết.

“Chúng tôi vốn đã phối hợp với FENZ, nhưng khi kích hoạt ECC thì có thể tập hợp toàn bộ nhân sự để điều phối các hoạt động, ví dụ như thiết lập Trung tâm Phòng vệ Dân sự (CDC).”

“Chúng tôi cảm thấy mình đã phản ứng hiệu quả trong tình huống diễn biến nhanh như vậy.”

Tuy nhiên, một số người dùng mạng xã hội đã đăng các đoạn video kịch tính trước nửa đêm. Cư dân Waimauku, cô Brya Wallace, cho biết đợt giông đầu tiên đã ập đến vào khoảng 10h tối Thứ Sáu.

“Có vài tiếng sấm vang dội khiến cả căn nhà rung chuyển. Có một tiếng sấm tôi ước gì mình đã ghi lại – nó nghe như tiếng ngoài hành tinh vang vọng khắp không trung rồi kết thúc bằng một tiếng nổ thỏa mãn làm rung cả ngôi nhà,” cô Wallace kể lại.

Dòng bình luận tức giận liên tiếp xuất hiện dưới bài đăng cập nhật khẩn cấp đầu tiên của AEM lúc 12h42 sáng Thứ Bảy trên Facebook.

“Cảnh báo phát lúc 0h43 cho một cơn giông khổng lồ bắt đầu gần một tiếng trước?!?” – một người bình luận.

“Hơi muộn đấy, nó đã trút mưa như trút nước suốt 2–3 tiếng rồi,” người khác viết.

“Đây là một trong những trận giông kinh hoàng nhất tôi từng trải qua suốt hơn 40 năm sống ở Auckland,” một người khác chia sẻ.

Một bình luận khác ví von cảnh báo quá muộn màng như “nước đến chân rồi mới nhảy”.

Tại Waimauku, cô Wallace nói rằng trận bão đầu tiên kéo dài ít nhất 1 giờ, có thể đến 1 tiếng rưỡi.

“Tôi đang chơi game trên máy tính và vẫn nghe được tiếng sấm xuyên qua tai nghe,” cô kể.

“Gia đình tôi đã theo dõi suốt 1 giờ, từ lúc sấm còn cách khoảng 16km – bằng cách đếm giây – cho đến khi nó ở ngay trên đầu và rồi trôi qua.”

Các sự kiện thời tiết có thể có diễn biến rất nhanh– AEM

Ông Maggs chia sẻ với chương trình Saturday Morning rằng điều kiện bão đã phát triển rất nhanh:

“Những loại hình thời tiết như thế này có thể xảy ra rất nhanh và không có cảnh báo trước.”

“Điều chúng tôi ghi nhận đêm qua là có nhiều cụm giông nối tiếp nhau – nghĩa là chúng di chuyển thành hàng qua Auckland, khoảng nửa đêm, và kéo dài khoảng 3 tiếng đến rạng sáng.”

“Đó chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại – không chỉ là những tia sét mà còn là lượng mưa cực lớn – đặc biệt tại khu vực Mt Roskill và Sandringham ở Auckland.”

MetService hiện đã được liên hệ để cung cấp thêm bình luận.

Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay