// //]]> Shopback – Có "cái bẫy" nào không?

Breaking

Shopback – Có "cái bẫy" nào không?

Shopback cho biết New Zealand đang là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của họ – nhưng nhiều người mua sắm vẫn tự hỏi: "Có bẫy gì không?"

Shopback là một chương trình hoàn tiền khi mua sắm quốc tế, có trụ sở tại Singapore. (Nguồn: Được cung cấp / Shopback)Shopback là một chương trình hoàn tiền khi mua sắm quốc tế, có trụ sở tại Singapore. (Nguồn: Được cung cấp / Shopback)

Shopback là một nền tảng trực tuyến cung cấp hoàn tiền theo phần trăm giá trị các giao dịch khi mua hàng online của người dùng.

Hiện tại, nền tảng này có khoảng 300 thương hiệu được liệt kê, và những người đăng ký tài khoản, truy cập các trang web thông qua Shopback có thể nhận lại khoản tiền hoàn từ 1% đến 100% giá trị giao dịch.

Ông Angus Muffett, Tổng giám đốc khu vực Úc và New Zealand, cho biết đây là mô hình còn khá mới mẻ tại New Zealand, nhưng đã được triển khai tại Úc cách đây 7 năm.

Ông cho biết, các nhà bán lẻ sẽ trả hoa hồng cho Shopback đối với các giao dịch phát sinh từ thành viên của nền tảng, và phần lớn số tiền hoa hồng đó sẽ được chuyển lại cho người tiêu dùng.

Nếu người dùng mua dịch vụ du lịch, khoản hoàn tiền sẽ được chuyển vào tài khoản Shopback của khách hàng sau khi chuyến đi hoàn tất. Với các giao dịch mua hàng khác, khoản hoàn tiền sẽ được trả khi thời gian đổi trả hàng hóa kết thúc.

Theo Muffett, các thành viên có thể nhận được khoảng 1000 đô la New Zealand mỗi năm nếu họ đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng, hoặc chỉ 20 - 30 đô la nếu chỉ mua sắm online nhỏ lẻ.

Các nhà bán lẻ cũng thường tổ chức các chương trình khuyến mãi, tăng mức hoàn tiền. Những nhà bán lẻ có biên lợi nhuận cao có thể đưa ra mức hoàn tiền hấp dẫn hơn, ông cho biết.

Muffett nhấn mạnh rằng mô hình này có lợi cho nhà bán lẻ vì họ chỉ trả hoa hồng khi phát sinh giao dịch thành công, trong khi với các nền tảng quảng cáo như Facebook, họ phải trả tiền chỉ vì có người nhấp chuột vào quảng cáo, dù chưa chắc đã mua hàng.

"Không có cái bẫy nào cả. Đây chỉ đơn giản là một kênh tiếp thị, và chúng tôi chia sẻ hoa hồng với người tiêu dùng."

Ông Muffett cũng khẳng định rằng dữ liệu người dùng chỉ được thu thập nhằm nâng cao trải nghiệm trên Shopback và không chia sẻ với bên thứ ba.

Ngoài ra, Shopback gần đây cũng đã bắt đầu cung cấp các ưu đãi hoàn tiền cho những người chơi trò chơi di động.

Chris Wilkinson thuộc First Retail Group nhận xét Shopback rất phổ biến ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Singapore.

"Chúng tôi biết rằng mô hình này đã rất thành công cho cả các thương hiệu và nhà bán lẻ – bởi người tiêu dùng sẽ dồn đơn hàng vào các đối tác tham gia, nhiều trong số đó vốn đã là những lựa chọn có tính cạnh tranh về giá, như Chemist Warehouse. Về cơ bản, nó tạo ra một 'cửa sổ' mới cho các nhà bán hàng – nâng cao mức độ ưu tiên và sự chú ý của người mua sắm."

Tuy nhiên, chuyên gia marketing Giáo sư Bodo Lang từ Đại học Massey cho rằng vẫn nên thận trọng.

Giáo sư Bodo Lang (Nguồn: Đại học Auckland)
Giáo sư Bodo Lang (Nguồn: Đại học Auckland)

Ông cho biết Shopback về bản chất "gamify" (trò chơi hóa) hành vi mua sắm, do đó có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn mức họ dự định, dưới danh nghĩa "tiết kiệm".

"Những người tiêu dùng dễ tiêu xài quá đà, có xu hướng nghiện mua sắm hoặc hành vi mua sắm bốc đồng nên sử dụng các nền tảng như vậy một cách cẩn trọng, vì có nguy cơ bị nghiện loại hình mua sắm này. Đây là mối lo ngại lớn, vì nghiên cứu cho thấy khoảng 5% người tiêu dùng mắc chứng nghiện mua sắm. Người trẻ và phụ nữ có xu hướng dễ mắc phải hành vi này hơn."

Ngoài ra, Lang chỉ ra rằng: Các nền tảng như Shopback làm cho thị trường trở nên kém minh bạch hơn đối với người tiêu dùng. Điều này đi ngược lại với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vốn lý tưởng là cung cấp thông tin rõ ràng, dễ tiếp cận về giá cả và sản phẩm. Ông cho biết người dùng có thể bỏ lỡ những thương hiệu hoặc ưu đãi tốt hơn ngoài hệ sinh thái Shopback, chỉ vì họ giới hạn tìm kiếm trong các thương hiệu có trên nền tảng.

"Những thương hiệu này có thể không luôn cung cấp đúng sản phẩm mà người tiêu dùng thực sự cần, hoặc không phải lúc nào cũng có mức giá thấp nhất".

"Vì vậy, người tiêu dùng có thể kết thúc bằng việc mua những sản phẩm không thật sự phù hợp hoặc chi tiêu nhiều hơn so với việc mua hàng từ một nhà bán lẻ khác."

Ngoài ra, vì Shopback chủ yếu hợp tác với các thương hiệu lớn, nên các nhà bán lẻ nhỏ có thể bị khó cạnh tranh hơn.

Lang cũng khuyên rằng, để tiết kiệm hiệu quả hơn: Người tiêu dùng nên tìm hiểu sản phẩm mình cần qua các bài đánh giá độc lập, ví dụ như từ Consumer NZ, sau đó, sử dụng các trang web so sánh giá để tìm mức giá tốt nhất.

"Đừng bao giờ trả giá bán lẻ niêm yết (RRP) nếu có thể. Hãy mạnh dạn yêu cầu giảm giá, nhất là nếu bạn là khách hàng quen, mua nhiều sản phẩm cùng lúc, hoặc chi tiêu một số tiền lớn trong một lần mua."

Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay