Trong khi nhiều người cao tuổi hình dung sinh nhật lần thứ 70 của mình với bánh kem, quà tặng và một buổi sum họp gia đình ấm cúng, thì phi hành gia kỳ cựu của NASA – Don Pettit – lại đón tuổi 70 khi đang lao vun vút trở về Trái Đất trên một con tàu vũ trụ, kết thúc sứ mệnh kéo dài bảy tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Một khoang tàu Soyuz chở Pettit cùng hai phi hành gia người Nga là Alexei Ovchinin và Ivan Vagner đã hạ cánh an toàn tại Kazakhstan vào Chủ nhật, đúng vào ngày sinh nhật đặc biệt của ông.
Trải qua 220 ngày trong không gian, bộ ba đã bay quanh Trái Đất 3.520 vòng, thực hiện hành trình dài tới 93,3 triệu dặm (tương đương hơn 150 triệu km) trong suốt sứ mệnh.
Đây là chuyến bay thứ tư của Don Pettit – phi hành gia đã có hơn 18 tháng sống ngoài không gian trong suốt 29 năm sự nghiệp. Khoang tàu hạ cánh vào lúc 6h20 sáng (giờ địa phương, tức 13h20 theo giờ New Zealand) tại khu vực hẻo lánh, phía đông nam thành phố Dzhezkazgan (Kazakhstan), sau hơn ba giờ tách khỏi ISS.
Theo hình ảnh do NASA công bố, khoang tàu nhỏ từ từ đáp xuống Trái Đất với chiếc dù trắng bung ra, phía sau là khung cảnh bình minh tuyệt đẹp. Các phi hành gia giơ ngón tay cái thể hiện sự ổn định khi được đội cứu hộ đưa ra khỏi tàu và chuyển tới một lều y tế di động để kiểm tra sức khỏe.
Dù trông có phần mệt mỏi khi được đưa ra khỏi khoang tàu, NASA xác nhận Pettit “vẫn khỏe mạnh và trong ngưỡng được kỳ vọng sau khi trở về Trái Đất.”
Sau đó, ông sẽ bay đến thành phố Karaganda của Kazakhstan trước khi lên máy bay của NASA để trở về Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Texas (Mỹ).
Trong suốt thời gian làm việc trên ISS, nhóm phi hành gia đã tiến hành các nghiên cứu quan trọng về công nghệ lọc nước, sự phát triển của thực vật trong nhiều điều kiện khác nhau, và hành vi của lửa trong môi trường vi trọng lực – theo thông tin từ NASA.
Sứ mệnh kéo dài bảy tháng của họ chỉ ngắn hơn một chút so với thời gian kỷ lục chín tháng mà hai phi hành gia khác của NASA – Butch Wilmore và Suni Williams – từng trải qua khi bị “kẹt” lại trên trạm vũ trụ do tàu thử nghiệm gặp trục trặc kỹ thuật và không thể đưa họ quay về đúng kế hoạch.
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran