// //]]> Peter Prescott bị tuyên bố phá sản chỉ vì quyết định kháng cáo vé phạt vi phạm tốc độ 80 đô

Breaking

Peter Prescott bị tuyên bố phá sản chỉ vì quyết định kháng cáo vé phạt vi phạm tốc độ 80 đô

Một người đàn ông ở New Zealand đã bị tuyên bố phá sản sau khi dành nhiều năm trời để kháng cáo một vé phạt tốc độ trị giá chỉ 80 đô la – và thua cuộc ở hầu hết mọi cấp tòa, với tổng chi phí pháp lý lên tới 34.000 đô.

Peter Prescott đã cố gắng khẳng định rằng ông không lái chiếc xe đó và cũng không sở hữu nó.Peter Prescott đã cố gắng khẳng định rằng ông không lái chiếc xe đó và cũng không sở hữu nó. Ảnh: Rafael Ben-Ari/Chameleons Eye/ 123rf

Peter Prescott, người bị phạt vì lái xe vượt tốc độ vào năm 2016, mới đây tiếp tục thất bại trong việc yêu cầu tòa án hủy bỏ tình trạng phá sản. Không những vậy, ông còn có thể phải đối mặt với khoản chi phí pháp lý bổ sung sau phán quyết bất lợi mới nhất.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 7/2016, khi Prescott bị bắn tốc độ vì chạy 64km/h trong khu vực giới hạn 50km/h. Tuy nhiên, ông không nhận lỗi mà tuyên bố rằng mình không phải là người lái xe, cũng không sở hữu phương tiện.

Vì không nộp phạt và vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm, ông bị phạt thêm 80 đô và phải trả 30 đô chi phí tòa án. Hai năm sau, ông kháng cáo lên Tòa án Quận nhưng bị bác đơn. Thay vì xin phép tiếp tục kháng cáo, ông chuyển sang yêu cầu xem xét tư pháp – nhưng yêu cầu này cũng bị bác và ông bị buộc phải thanh toán gần 7.000 đô tiền án phí.

Không dừng lại, Prescott tiếp tục đề nghị Tòa án Tối cao xem xét lại vụ việc, rồi đưa đơn lên Tòa Phúc thẩm để yêu cầu tạm hoãn việc thanh toán án phí – cả hai lần đều thất bại, kéo theo khoản nợ phát sinh thêm gần 6.000 đô và 2.500 đô chi phí mới.

Năm 2020, Prescott giành được một chiến thắng nhỏ khi được phép kháng cáo lại phán quyết ban đầu. Tuy nhiên, các nỗ lực tiếp theo nhằm yêu cầu các tòa án cấp cao hơn xem xét lại vụ việc đều không thành công.

Tháng 12/2020, cảnh sát tiến hành gửi thông báo phá sản vì Prescott chưa thanh toán khoản chi phí gần 7.000 đô. Ông nỗ lực xin hủy bỏ thông báo phá sản này nhưng tiếp tục thất bại, kéo theo thêm 12.000 đô chi phí pháp lý.

Tính đến tháng 9/2021, Prescott nợ cảnh sát 27.000 đô và đến năm 2022, ông chính thức bị tuyên bố phá sản. Sau đó, ông lại kháng cáo, xin đình chỉ, rồi tiếp tục nộp đơn lên Tòa Phúc thẩm để yêu cầu đảo ngược quyết định phá sản – tất cả đều không thành công.

"Ông ấy đơn giản là không cung cấp được bằng chứng cần thiết"

Tháng 3/2025, Prescott quay trở lại Tòa án Tối cao ở Auckland để yêu cầu hủy bỏ quyết định phá sản. Ông lập luận rằng quy trình xét xử ban đầu không công bằng vì ông bị suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến khả năng tham gia phiên tòa.

Trong chính phiên tòa năm 2022, Prescott đã đưa ra 5 yêu cầu phản tố đối với cảnh sát, nhưng không kèm theo bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Ông cho rằng đã nêu rõ tình trạng sức khỏe với tòa, nhưng không được quan tâm đúng mức.

Dẫn luật trong Đạo luật Quyền Con người, Prescott khẳng định ông đã bị tước quyền trình bày đầy đủ vụ việc – một vi phạm nghiêm trọng quy trình tố tụng.

Tuy nhiên, Thẩm phán Phó Paul Cogswell bác bỏ lập luận của ông sau khi xem xét kỹ lưỡng.

“Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông bị ngăn cản đưa ra phản tố,” ông nói. “Vấn đề thính lực – nếu có – cũng không ảnh hưởng đến việc chuẩn bị hồ sơ hay cung cấp bằng chứng. Prescott biết rõ từ lâu rằng mình cần chứng minh cho các yêu cầu phản tố – nhưng ông đã không làm điều đó.”

Thẩm phán cũng nhấn mạnh rằng Prescott không cung cấp bất kỳ tài liệu y tế hay bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông bị suy giảm thính lực.

Kết luận, tòa bác đơn yêu cầu hủy phá sản, cho rằng không có sai sót tố tụng, không có hành vi lạm quyền, và không có bằng chứng nào đủ sức làm thay đổi kết quả vụ việc.

Với phán quyết mới này, cảnh sát New Zealand hiện có quyền yêu cầu Prescott thanh toán thêm chi phí pháp lý – mức cụ thể sẽ được xác định trong thời gian tới.

Theo rnz.co.nz – Khoa Tran

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay