Hàng nghìn người dân Mỹ đã xuống đường tại hàng trăm thành phố trên toàn quốc để phản đối cách Tổng thống Donald Trump điều hành đất nước, trong làn sóng biểu tình lớn nhất từ khi ông trở lại Nhà Trắng. Các cuộc tuần hành mang tên "Hands Off!" (Đừng đụng vào!) được tổ chức tại hơn 1.200 địa điểm trên cả 50 bang, do hơn 150 tổ chức phối hợp thực hiện, bao gồm các nhóm đấu tranh vì quyền dân sự, công đoàn, tổ chức LGBTQ+, cựu chiến binh và các nhóm hoạt động bầu cử.

Các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, chưa ghi nhận các vụ bắt giữ ngay lập tức.
Từ National Mall ở Washington D.C. đến Midtown Manhattan, Boston Common và nhiều tòa nhà quốc hội tiểu bang, hàng nghìn người đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Trump cùng tỷ phú Elon Musk về các chính sách cắt giảm chính phủ, kinh tế, nhập cư và quyền con người.

Tại Seattle, dưới bóng của tháp Space Needle nổi tiếng, người biểu tình cầm những tấm biển ghi "Chống lại chế độ tài phiệt".
Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước các động thái sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang, đóng cửa các văn phòng của Cơ quan An sinh Xã hội, giải thể hàng loạt cơ quan chính phủ, trục xuất người nhập cư, hạn chế quyền của người chuyển giới và cắt giảm ngân sách y tế.

Elon Musk – cố vấn của Tổng thống Trump và là người đứng đầu Tesla, SpaceX cũng như mạng xã hội X – hiện đang lãnh đạo Bộ Hiệu Quả Chính Phủ mới thành lập. Ông tuyên bố đang giúp người dân tiết kiệm hàng tỷ USD từ ngân sách liên bang.
Tại cuộc biểu tình ở National Mall, bà Kelley Robinson – Chủ tịch tổ chức vận động Human Rights Campaign – đã chỉ trích mạnh mẽ cách chính quyền đối xử với cộng đồng LGBTQ+.

"Những cuộc tấn công này không chỉ mang tính chính trị, mà còn rất cá nhân," bà Robinson phát biểu. "Họ muốn cấm sách của chúng ta, cắt giảm ngân sách phòng chống HIV, hình sự hóa bác sĩ, giáo viên, gia đình và cả cuộc sống của chúng ta."
"Chúng tôi không muốn nước Mỹ kiểu này. Chúng tôi muốn nước Mỹ mà tất cả mọi người đều có phẩm giá, sự an toàn và tự do — không chỉ một số người," bà nhấn mạnh.
Tại Boston, người biểu tình giơ cao các biểu ngữ như “Đừng đụng vào nền dân chủ của chúng tôi” và “Đừng đụng vào An sinh Xã hội”.
Thị trưởng Michelle Wu nói rằng bà không thể chấp nhận một tương lai nơi con cái mình sống trong một thế giới mà chính phủ dùng đe dọa và đàn áp làm công cụ cai trị, trong khi những giá trị như đa dạng và bình đẳng lại bị tấn công.
"Tôi từ chối tin rằng con tôi sẽ lớn lên trong một thế giới mà những người nhập cư như ông bà của chúng bị xem là tội phạm," bà Wu phát biểu.
Ông Roger Broom, 66 tuổi, một người đã nghỉ hưu tại Ohio, từng là đảng viên Cộng hòa theo trường phái Reagan, nay nói rằng ông không còn ủng hộ Trump nữa.
"Ông ấy đang chia rẽ đất nước này," Broom chia sẻ. "Đây chỉ là một chính quyền của những oán giận."
Tại Palm Beach Gardens, Florida — gần sân golf nơi Trump đang chơi trong giải đấu câu lạc bộ — hàng trăm người đã xuống đường trên đại lộ PGA Drive, kêu gọi người đi đường bấm còi ủng hộ và hô vang các khẩu hiệu phản đối Trump.

“Họ cần ngừng can thiệp vào An sinh Xã hội của chúng tôi,” ông Archer Moran từ Port St. Lucie nói. “Danh sách những thứ họ không nên đụng vào còn dài lắm. Thật đáng kinh ngạc là các cuộc biểu tình đã diễn ra chỉ sau một thời gian ngắn ông ta nhậm chức.”
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump dự kiến sẽ chơi golf thêm một vòng vào Chủ nhật.
Phản hồi về biểu tình, Nhà Trắng tuyên bố: "Quan điểm của Tổng thống Trump rất rõ ràng: ông sẽ luôn bảo vệ An sinh Xã hội, Medicare và Medicaid cho những người đủ điều kiện. Trong khi đó, đảng Dân chủ lại muốn cấp những quyền lợi đó cho người nhập cư bất hợp pháp, khiến các chương trình này sụp đổ và gây hại cho người già Mỹ."
Trước đó, phong trào phản đối Trump và Musk đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc, nhưng chưa từng huy động quy mô lớn như lần này kể từ sau các cuộc tuần hành như Women's March năm 2017 hay phong trào Black Lives Matter sau vụ George Floyd.
Tại Charlotte, Bắc Carolina, người biểu tình thể hiện quan điểm ủng hộ nhiều vấn đề: từ An sinh Xã hội, giáo dục, nhập cư đến quyền sinh sản của phụ nữ.
“Bất kể bạn thuộc đảng nào, bầu cho ai, những gì đang xảy ra hôm nay là điều không thể chấp nhận được,” chị Britt Castillo, 35 tuổi, chia sẻ. “Thật ghê tởm. Hệ thống hiện tại có thể chưa hoàn hảo, nhưng cách mà chính quyền này đang cố ‘sửa chữa’ mọi thứ – đó không phải là cách. Họ không hề lắng nghe người dân.”
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen