Từ nay, các ngân hàng tại New Zealand sẽ buộc phải hoàn trả lại cho nạn nhân của các vụ lừa đảo lên đến 500.000 đô nếu họ không cảnh báo và bảo vệ người tiêu dùng một cách đầy đủ khỏi các hành vi gian lận.
Hiệp hội Ngân hàng đã công bố năm biện pháp bảo vệ mới được bổ sung vào Bộ Quy tắc Thực hành Ngân hàng. Những thay đổi này sẽ được triển khai dần dần trong vòng bảy tháng tới.
Nếu ngân hàng không tuân thủ các cam kết mới này, họ sẽ phải bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại cho những khách hàng đủ điều kiện. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể tùy ý chi trả bồi thường vượt quá mức được quy định trong bộ quy tắc.
Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục hoàn trả các khoản tổn thất cho những khách hàng đủ điều kiện trong trường hợp dịch vụ bị truy cập mà không có sự cho phép của khách hàng.
Bộ trưởng Thương mại và Các vấn đề Người tiêu dùng, ông Scott Simpson, cho biết: chương trình bồi thường và các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn này là một “chiến thắng quan trọng cho người tiêu dùng ngân hàng”.
"Những cam kết mới từ các ngân hàng có nghĩa là nếu một ngân hàng không cảnh báo và bảo vệ người tiêu dùng một cách đầy đủ khỏi các trò lừa đảo, họ sẽ hoàn trả cho nạn nhân lên đến 500.000 đô,” ông nói.

Ông nói rằng các ngân hàng sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong việc ngăn ngừa các vụ lừa đảo bằng cách tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa các ngành và chính phủ, cũng như giáo dục người dân.
“Mặc dù người dân vẫn cần cảnh giác và chịu trách nhiệm với sự an toàn trực tuyến của chính mình, những thay đổi này sẽ giúp người tiêu ung kiểm tra tính hợp pháp của giao dịch trước khi chuyển tiền,” ông Simpson nói thêm.
Những kỳ vọng tương tự cũng đã được đặt ra với các công ty viễn thông và nền tảng kỹ thuật số – nơi các tin nhắn lừa đảo có thể được truyền tải.
Các cam kết bảo vệ khỏi lừa đảo bao gồm:
- Dịch vụ xác nhận người nhận (Confirmation of Payee): giúp khách hàng kiểm tra xem tên người nhận có khớp với số tài khoản hay không. Dịch vụ này đã bắt đầu triển khai.
- Cảnh báo trước giao dịch: cảnh báo người tiêu dùng dựa trên mục đích thanh toán.
- Xác định và phản hồi với các giao dịch rủi ro cao hoặc hoạt động giao dịch bất thường, bao gồm khả năng chặn hoặc trì hoãn giao dịch trong một số trường hợp.
- Cung cấp kênh báo cáo 24/7 cho khách hàng nghi ngờ bị lừa đảo và phản hồi để bảo vệ tài khoản.
- Chia sẻ thông tin về tài khoản lừa đảo với các ngân hàng khác để giúp ngăn chặn hoạt động tội phạm và đóng băng quỹ khi thích hợp.
Giao dịch rủi ro cao
Ông Sean Lyons cho biết trong chương trình Breakfast rằng thông báo này là “một bước tiến đúng hướng”.
“Điều chúng ta đang nói đến là các ngân hàng sẽ xem xét các giao dịch có rủi ro cao, sẽ cố gắng giáo dục và thông tin cho từng cá nhân, sẽ cho phép họ liên hệ 24/7. Tất cả những điều này chắc chắn là những bước đi đúng đắn để giảm thiểu tổn thất mà người dân New Zealand đang phải chịu.”
Ông cũng cho biết việc xử lý lừa đảo là một “vấn đề nhiều mặt” với nhiều yếu tố biến đổi, có thể gây nhầm lẫn cho nhiều người.
“Việc biết rằng người dân có nơi để tìm đến và nhận lời khuyên là một phần rất quan trọng để ngăn chặn họ trước khi bị mắc bẫy.”
Ông Lyons cho rằng rất khó để có được cái nhìn chính xác về mức độ tổn thất vì nhiều người cảm thấy xấu hổ và ngại ngùng khi trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo.
“Chúng ta cần vượt qua suy nghĩ rằng chỉ có một ‘kiểu người’ mới bị lừa. Không phải do tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp. Luôn có một loại lừa đảo nhắm đúng thời điểm để đánh trúng bạn.”
“Nếu nó xảy ra vào đúng thời điểm, khả năng cao là bạn sẽ bị mắc bẫy. Những kẻ lừa đảo luôn thay đổi, luôn điều chỉnh cách làm để khiến chúng ta mất cảnh giác với những thứ như vậy,” ông nói.
Ông cũng khẳng định việc các ngân hàng chia sẻ thông tin với nhau về những đối tượng xấu là một bước tiến lớn.
“Chúng ta cần liên tục thay đổi cách tiếp cận để khiến môi trường lừa đảo trở nên khó khăn và rối loạn cho những kẻ lừa đảo, đồng thời giúp người tiêu dùng New Zealand dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ và giúp đỡ hơn.”
Theo 1news.co.nz – Duong Nguyen