Chính phủ New Zealand xác nhận đã cấp phép cho tàu nghiên cứu Trung Quốc Tan Suo Yi Hao tiến hành khảo sát khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, dù trước đó Thủ tướng Úc bày tỏ không muốn con tàu xuất hiện ở vùng biển của họ.
Thủ tướng Úc lo ngại nhưng không cấm
Thủ tướng Úc, ông Anthony Albanese, cho biết ông "không muốn" tàu Tan Suo Yi Hao hoạt động trong vùng biển Úc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng con tàu này không vi phạm luật pháp quốc tế.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo lợi ích quốc gia của Úc... và tôi hoàn toàn tin tưởng vào Lực lượng Quốc phòng và các cơ quan an ninh của chúng tôi trong việc thực hiện điều đó," ông phát biểu trên ABC.
Nhiều quốc gia cùng tham gia nghiên cứu đại dương sâu
Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand (NIWA) cho biết tàu Tan Suo Yi Hao đã thực hiện chuyến khảo sát kéo dài 56 ngày (từ 25/1 đến 21/3/2025) tại rãnh Puysegur.
Chuyến nghiên cứu này có sự tham gia của các nhà khoa học từ tám quốc gia, bao gồm New Zealand, Trung Quốc, Malaysia, Đan Mạch, Đức, Pháp, Brazil và Ấn Độ. NIWA xác nhận mỗi tháng có hai nhà khoa học New Zealand tham gia chuyến thám hiểm.
Tàu này được trang bị tàu lặn Fen Dou Zhe – phương tiện duy nhất trên thế giới hiện nay có thể lặn đến những vùng sâu nhất của đại dương phục vụ nghiên cứu khoa học.
Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã lặn xuống độ sâu sáu kilomet dưới đáy rãnh Puysegur, thực hiện thành công 32 chuyến lặn bất chấp điều kiện biển khắc nghiệt.
New Zealand xác nhận đã cấp phép hợp pháp
Lực lượng Quốc phòng New Zealand (NZDF) khẳng định họ đã theo dõi sát sao hoạt động của tàu Trung Quốc trong khu vực.
Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand (MFAT) xác nhận nước này đã cấp phép cho tàu Tan Suo Yi Hao tiến hành nghiên cứu khoa học trong EEZ của New Zealand theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
"Theo công ước quốc tế, tất cả các tàu đều được hưởng quyền tự do đi lại trong EEZ, và các quốc gia có trách nhiệm thúc đẩy, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học biển," MFAT tuyên bố.
MFAT cũng cho biết New Zealand và Úc thường xuyên trao đổi về hoạt động của các tàu nước ngoài trong EEZ của hai nước, nhưng không tiết lộ chi tiết về tàu Tan Suo Yi Hao.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực
Việc tàu nghiên cứu Trung Quốc được cấp phép diễn ra chỉ một tháng sau khi New Zealand và Úc bất ngờ phát hiện các tàu quân sự Trung Quốc tiến hành diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi Sydney mà không thông báo trước.
Một cuộc điều trần của Quốc hội Úc tiết lộ rằng một phi công hàng không thương mại là người đầu tiên cảnh báo chính quyền Úc và New Zealand về cuộc tập trận này vào tháng 2.
Sự việc tiếp tục làm dấy lên lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen