Một con mực khổng lồ non đã được ghi hình trong môi trường sống tự nhiên lần đầu tiên trong lịch sử.
Sinh vật dài khoảng 30cm này được ghi hình ở độ sâu 600 mét dưới đáy đại dương bởi một nhóm khoa học quốc tế trên tàu nghiên cứu của Viện Đại dương Schmidt, sử dụng thiết bị điều khiển từ xa dưới nước.
Cuộc phát hiện diễn ra vào ngày 9 tháng 3, trong một chuyến thám hiểm gần quần đảo South Sandwich ở Nam Đại Tây Dương, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm kể từ khi loài mực khổng lồ được chính thức đặt tên và công nhận.
“Thật phấn khích khi lần đầu tiên chúng ta được thấy cảnh quay trong tự nhiên của mực khổng lồ non. Thật khiêm tốn khi nghĩ rằng loài sinh vật này hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của con người,” chuyên gia Kat Bolstad từ AUT – người được mời xác minh hình ảnh, chia sẻ.
Trong suốt thế kỷ qua, con người chủ yếu biết đến loài mực này qua xác còn lại trong dạ dày của cá nhà táng và chim biển, hoặc chúng được xem là kẻ săn mồi của cá răng được khai thác thương mại.
Mực khổng lồ có thể phát triển tới 7 mét chiều dài và nặng đến 500kg, trở thành loài không xương sống nặng nhất hành tinh.
Tuy nhiên, vòng đời của chúng vẫn là một bí ẩn lớn. Trước đây, ngư dân chỉ ghi lại được hình ảnh các cá thể trưởng thành đang chết, nhưng chưa từng thấy cá thể nào còn sống ở độ sâu lớn như vậy.
Mẫu mực khổng lồ lớn nhất từng được ghi nhận hiện đang trưng bày tại bảo tàng Te Papa ở Wellington, New Zealand. Mẫu vật này được kéo lên từ biển vào năm 2007, nặng khoảng 470kg và dài 4,2 mét – nhưng có thể đã từng dài hơn vì xúc tu bị co lại sau khi chết.
Mực pha lê băng giá cũng được ghi hình
Không chỉ có mực khổng lồ, các nhà khoa học trong chuyến thám hiểm còn ghi lại được hình ảnh mực pha lê băng giá (glacial glass squid) trong môi trường tự nhiên của nó.
“Việc phát hiện hai loài mực khác nhau trong hai chuyến đi liên tiếp là một điều hiếm có và cho thấy chúng ta biết rất ít về những sinh vật tuyệt đẹp đang sống tại Nam Đại Dương,” bà Jyotika Virmani – giám đốc điều hành Viện Đại dương Schmidt cho biết.
“May mắn thay, chúng tôi đã thu thập được hình ảnh độ phân giải cao, đủ để các chuyên gia trên toàn cầu, dù không có mặt trực tiếp trên tàu, vẫn có thể xác định chính xác hai loài mực này.”
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen