Chủ nhà Nga Thanh Phan bị cảnh sát đột kích cả bốn căn nhà cho thuê tại thành phố Auckland, và tất cả đều được sử dụng làm nơi trồng cần sa quy mô thương mại.
Hai căn nhà khác do chồng của bà sở hữu và một căn thuộc về anh trai bà cũng bị cảnh sát khám xét, qua đó phát hiện đều là "nhà trồng cần" phục vụ việc trồng cần sa trái phép.
Khi cảnh sát bắt đầu điều tra các hoạt động của Phan, họ phát hiện bà từng sở hữu một căn nhà ở Úc nhưng đã bị tịch thu - vì căn nhà này cũng từng được sử dụng để trồng cần sa.
Giờ đây, Phan cùng người thân đã mất toàn bộ danh mục bất động sản cho thuê tại New Zealand sau khi không thể trả nợ thế chấp, buộc các bên cho vay phải phát mãi tài sản - khiến họ trắng tay.
Hồ sơ pháp lý từng trong sạch của bà tại New Zealand nay đã ghi nhận một tiền án, và gần đây bà đã đạt được thỏa thuận với cảnh sát để tự nguyện giao nộp 300.000 đô - số tiền bị tịch thu vì được xem là thu lợi bất hợp pháp từ hoạt động phạm tội.
Hơn 44.500 đô trong số tiền đó hiện đã nằm trong tay của người quản lý tài sản chính phủ (Official Assignee), sau khi bị thu giữ từ một chiếc két sắt tại nhà riêng của bà Phan.
Bất động sản duy nhất còn đứng tên bà hiện nay là một căn nhà tại Flat Bush, Auckland - nơi bà đang sinh sống. Đây cũng là căn nhà duy nhất không bị sử dụng để trồng cần sa.
Nếu bà Phan không thể huy động đủ 300.000 đô trong vòng sáu tháng, căn nhà này cũng sẽ bị bán để trả nợ.
Cuộc đột kích đầu tiên diễn ra vào năm 2020.
Doanh nghiệp bất động sản do bà Phan, chồng cũ Khanh Truong Nguyen và anh trai Dung Anh Phan điều hành bắt đầu sụp đổ vào năm 2020.
Chi tiết đầy đủ hiện đã được tiết lộ trong các tài liệu tòa án liên quan đến vụ kiện dân sự của cảnh sát, nhằm tịch thu tài sản của họ theo Đạo luật Thu hồi Tiền thu lợi từ Tội phạm (Criminal Proceeds (Recovery) Act 2009).
Đạo luật này ngăn chặn tội phạm bằng cách tịch thu các tài sản mà tội phạm đã thu được từ các hoạt động bất hợp pháp của họ.
Bất động sản đầu tiên bị cảnh sát đột kích là tại Whangaripo, ngay trước dịp Giáng sinh năm 2020. Nguyen là chủ sở hữu hợp pháp, sau khi mua nó cách đó tám tháng.
Anh ta đã trả 760.000 đô cho căn nhà, trong đó đặt cọc 153.500 đô, khoảng một nửa trong số đó được chuyển từ tài khoản ngân hàng mang tên Nga Thanh Phan.
Số tiền còn lại được chi trả bằng một khoản vay thế chấp từ một ngân hàng thương mại.
Khi cảnh sát kiểm tra tài khoản ngân hàng của Nga Thanh Phan, họ phát hiện các giao dịch nghi vấn, với số tiền 108.000 đô được gửi vào từ "những bên thứ ba không xác định" trong suốt một năm.
Tài khoản ngân hàng của Nguyen, dùng để trả nợ thế chấp, đã nhận thêm 22.500 đô tiền mặt và 4.600 đô từ các bên thứ ba không xác định.
Sáu bất động sản khác đã bị khám xét.
Vào tháng 4 năm 2021, cảnh sát đã khám xét sáu bất động sản khác do gia đình sở hữu, phát hiện các hoạt động trồng cần sa quy mô lớn tại từng căn nhà.
Một trong số đó, tại Flat Bush, là căn nhà thứ hai thuộc sở hữu của Nguyen.
Một căn khác tại Papakura thuộc sở hữu của anh trai bà Phan, Dung Anh Phan.
Tại một bất động sản ở Sandringham thuộc sở hữu của Nga Thanh Phan, cảnh sát phát hiện 72 cây cần sa lớn và 50 cây nhỏ hơn.
Các cây cần sa được tìm thấy trong gara và tất cả sáu phòng trên tầng lầu của ngôi nhà.
Một trong các phòng trên tầng lầu đã được cải tạo thành "phòng chế biến" và chứa một thùng đầu cần sa. Sàn nhà được phủ đầy vật liệu cần sa đã cắt.
Tại một bất động sản ở Tuakau, cũng thuộc sở hữu của Nga Thanh Phan, cảnh sát phát hiện hơn 200 cây cần sa ở các giai đoạn phát triển khác nhau và 296g cần sa đang được phơi khô trên một khay nhựa.
Tại một căn nhà ở Takanini, cảnh sát phát hiện 231 cây cần sa có chiều cao từ 23 đến 160 cm và 34 cây giống.
Tại một bất động sản ở Pukekohe, cảnh sát phát hiện thêm 177 cây cần sa và cây giống.
Nga Thanh Phan không có mặt tại bất kỳ bất động sản nào khi chúng bị khám xét, và khi vụ án của bà được đưa ra tòa án quận, Thẩm phán David McNaughton lưu ý rằng bà tuyên bố không biết về các hoạt động trồng cần sa diễn ra tại những bất động sản mà bà cho thuê.
Bà cũng cho biết mình đã "quá bận rộn" với việc chăm sóc con cái nên không thể thể tập trung quản lý các bất động sản của mình.
Bà đã nhận tội đối với bốn cáo buộc.
Tuy nhiên, Thẩm phán McNaughton cho rằng những lời khai của bà không phù hợp với các lời nhận tội của bà đối với bốn cáo buộc cho phép các bất động sản được sử dụng để trồng cần sa, theo Điều luật Lạm dụng Ma túy (Misuse of Drugs Act).
Các tài liệu tòa án cũng cho biết rằng các khoản tiền gửi vào tài khoản ngân hàng của bà – tổng cộng hơn 218.000 đô trong ba năm – không phải là tiền thuê nhà hợp pháp.
Chỉ có một hợp đồng thuê nhà mà bà cung cấp có tên một người mà cảnh sát hoặc Cục Di trú New Zealand có hồ sơ.
Thẩm phán McNaughton đã tuyên án bà Phan hai năm chín tháng tù giam, nhưng án phạt đã được giảm xuống còn 11 tháng giám sát tại nhà vào tháng 7 năm 2023, sau khi bà kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Một trong những vấn đề được luật sư của bà Phan đưa ra tại Tòa án Tối cao là tình trạng " dễ bị tổn thương cực độ" của bà như một nạn nhân bị lạm dụng, phải phục tùng, nghe lời chồng cũ theo như văn hóa ở Việt Nam.
Tòa án Tối cao cũng cho rằng bà Phan đáng lẽ phải được giảm án nhiều hơn vì nhu cầu chăm sóc y tế phức tạp của các con bà. Một báo cáo văn hóa đã chỉ ra rằng các con của bà sẽ phải vào cơ sở chăm sóc sức khỏe nếu bà bị kết án tù.
Theo Đạo luật Thu hồi Tiền thu lợi từ Tội phạm (Criminal Proceeds (Recovery) Act 2009), cảnh sát thường tiến hành hành động kiện dân sự cùng với các vụ án hình sự để tịch thu tài sản thu được từ các hoạt động tội phạm nghiêm trọng.
Họ làm điều này bằng cách đầu tiên xin lệnh cấm, ngăn chặn tội phạm bán tháo hoặc giấu giếm tài sản của mình, sau đó quay lại Tòa án Tối cao để yêu cầu lệnh tịch thu tài sản, thường là sau vài tháng.
Trong trường hợp của bà Phan, thay vì một lệnh tịch thu toàn bộ tài sản, bà và cảnh sát đã thương lượng một thỏa thuận trị giá 300.000 đô để tránh "những rủi ro" đối với bà Phan và cảnh sát nếu vụ việc tiếp tục được đưa ra xét xử tại Tòa án Tối cao.
Anh trai và chồng cũ của bà Phan đã bị xử lý trong các phiên tòa riêng biệt.
Nguyen đã đạt được thỏa thuận với cảnh sát, theo đó ông sẽ giao nộp 202.932 đô, còn Dung Anh Phan sẽ phải trả 120.000 đô.
Theo rnz.co.nz – Elise Nguyen