Một bệnh nhân tại New Zealand đã lên tiếng chỉ trích ACC (Tập đoàn Tai nạn New Zealand) sau khi bị từ chối bồi thường cho tổn thương tâm lý, dù mang thai ngoài ý muốn do bác sĩ không thực hiện đúng thủ thuật y tế.

Năm 2021, Jessie đến một phòng khám kế hoạch hóa gia đình để tháo que tránh thai cũ (Jadelle) và thay thế bằng que mới. Tuy nhiên, bác sĩ đã không cấy que mới vào tay Jessie, mặc dù hồ sơ y tế có ghi rõ hướng dẫn thực hiện.
Mang thai ngoài ý muốn, tổn thương tâm lý nặng nề
Vài tháng sau, khi đang sinh sống tại Úc, Jessie phát hiện mình mang thai và phải thực hiện phá thai. Hệ quả để lại là trầm cảm nghiêm trọng, Jessie không thể tiếp tục việc học.
Chia sẻ với chương trình Checkpoint, Jessie cho biết:
“Có rất nhiều tổn thương, rất nhiều lo âu, trầm cảm… Quá trình này kéo dài khiến tôi không thể nào tìm được sự bình yên.”
ACC từ chối bồi thường – Gọi thai kỳ là “chấn thương”
ACC từ chối yêu cầu bồi thường vì cho rằng "việc mang thai là chấn thương", và khi Jessie phá thai – tức là đã “được điều trị”, nên không còn cơ sở để yêu cầu bồi thường cho tổn thương tâm lý.
Vấn đề thêm phần phức tạp khi Jessie đang sống tại Úc vào thời điểm mang thai. ACC kết luận rằng Jessie không còn là cư dân thường trú tại New Zealand, nên không đủ điều kiện được bảo hiểm tai nạn.
Jessie nói bị xem thường và thiếu tôn trọng
Jessie kể lại trải nghiệm không mấy dễ chịu khi làm việc với ACC:
“Tôi cảm thấy bị coi thường. Nhân viên ACC thậm chí nghi ngờ rằng chuyện này có thật không, yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ, dù tôi đã đưa thư xin lỗi từ bác sĩ."
Thái độ của nhân viên ACC khiến Jessie cảm thấy bị xúc phạm:
“Họ hỏi tôi sao lại không biết mình chưa được cấy que mới. Câu hỏi đó thật sự xúc phạm.”
Kêu gọi cải cách toàn diện ACC
Jessie cho biết họ không được hỗ trợ về tài chính hay tâm lý. Mỗi tháng, họ phải kể lại trải nghiệm đau đớn để tiếp tục theo đuổi vụ việc, mà không nhận được bất kỳ sự cảm thông hay hỗ trợ thiết thực nào.
“ACC cần dừng việc tìm cách né tránh trách nhiệm và thay vào đó là hỗ trợ nạn nhân với lòng trắc ẩn. Đã đến lúc xem lại chính sách để hỗ trợ những trường hợp nằm ngoài khuôn mẫu thông thường.”
Jessie kêu gọi Bộ trưởng phụ trách ACC, ông Scott Simpson, can thiệp và xem xét lại toàn bộ quy trình:
“Tôi sẽ không bao giờ lấy lại được những gì đã mất. Xin ông hãy nhìn lại những chính sách đang gây tổn thương như vậy.”
Phản hồi từ Bộ trưởng và ACC
Ông Scott Simpson cho biết ông lấy làm tiếc trước những gì Jessie đã trải qua:
“Tôi sẽ làm rõ kỳ vọng của mình với ACC về thái độ chăm sóc và cảm thông. Tôi cũng yêu cầu các quan chức xem xét xem liệu có vấn đề chính sách nào cần được điều chỉnh không.”
ACC cho biết không thể phản hồi cụ thể do không đủ thời gian xem xét toàn bộ hồ sơ, nhưng nhấn mạnh các quyết định được đưa ra theo Đạo luật ACC, vốn “phức tạp và ràng buộc chặt chẽ” trong các trường hợp xảy ra ở nước ngoài.
Ngôn ngữ và quyền được công nhận
Jessie cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách sử dụng ngôn ngữ đúng đắn khi nói về mang thai và nhận dạng giới.
Họ phản đối chỉ đạo mới đây của Thứ trưởng Y tế Casey Costello – yêu cầu dùng từ “phụ nữ” thay cho “người mang thai” trong các tài liệu y tế.
“Chúng tôi tồn tại, dù bà có công nhận hay không. Thay vì gieo rắc thù ghét, tại sao không tận dụng vị trí của mình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Aotearoa?”
Theo rnz.co.nz – Khoa Tran