Một lượng cát khổng lồ đã biến mất khỏi dải cát chắn sóng quan trọng bảo vệ thị trấn Mangawhai, Northland, theo kết quả khảo sát trên không mới nhất.
Lần đầu tiên, New Zealand tiến hành khảo sát chuyên sâu bằng máy bay không người lái (drone) và phát hiện hơn 420.000 tấn cát – tương đương 26.000 xe tải – đã bị mất khỏi cảng Mangawhai trong vòng sáu năm.
Dải cát bị xói mòn nghiêm trọng
Khảo sát mới nhất cho thấy cồn cát lớn phía nam của Mangawhai Spit đã dịch chuyển từ 10 đến 25 mét về phía tây và giảm độ cao. Ngoài ra, khu vực bến cảng cũng bị xói lở lên đến 15 mét tại một số nơi.
"Điều này xác nhận sự mất mát đáng kể của cát từ dải cát chắn sóng," giáo sư Mark Dickson, nhà địa mạo ven biển từ Đại học Auckland, cho biết.
Cùng với tiến sĩ Terry Hume, cựu giáo sư Đại học Auckland và trưởng nhóm nghiên cứu, Dickson đã trình bày phát hiện mới tại một cuộc họp với Hội đồng Vùng Northland (NRC), Bộ Bảo tồn (DOC), Hội đồng Quận Kaipara (KDC), tổ chức Environs Te Uri o Hau, nhóm cộng đồng Mangawhai Matters, Hiệp hội Phục hồi Cảng Mangawhai (MHRS) và cư dân địa phương vào ngày 21 tháng 3.
Tiến sĩ Phil McDermott, cựu giáo sư tại Đại học Massey, cho biết nghiên cứu này giúp định hướng chiến lược quản lý bền vững cảng và dải cát trong tương lai.
Mangawhai Spit đối mặt nguy cơ vỡ lớn
Mangawhai Spit là một trong số ít dải cát có hình dáng "drumstick" (hình dùi trống) ở New Zealand, khiến nó dễ bị xói mòn và nứt vỡ.
Khu vực hẹp nhất của dải cát, giống như phần "eo" của một chiếc dùi trống, dễ bị nước biển tràn qua. Đặc biệt, sự mất mát của lớp thực vật bao phủ do các vụ cháy rừng cách đây 800 năm đã khiến nơi này càng trở nên mong manh hơn.
Cuộc khảo sát trên không sử dụng công nghệ LIDAR (Light Detection and Ranging) vào đầu năm 2025, do các nhà nghiên cứu từ Đại học Auckland thực hiện cho Hiệp hội Phục hồi Cảng Mangawhai (MHRS). Trước đó, vào tháng 8 năm 2024, một cuộc khảo sát LIDAR từ máy bay cũng đã được thực hiện, nhưng có độ chi tiết thấp hơn.
Chủ tịch MHRS, ông Peter Wethey, cho biết kết quả nghiên cứu mới mang lại bằng chứng khoa học cụ thể giúp định hướng công tác quản lý và bảo vệ dải cát quan trọng này.

Nguy cơ vỡ dải cát trong vòng 50 năm tới
Tiến sĩ Terry Hume cảnh báo:
"Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng nguy cơ dải cát bị vỡ trong vòng 50 năm tới là rất cao."
Điểm dễ vỡ nhất hiện nay chính là khu vực "eo" của dải cát, nơi chỉ rộng khoảng 440 mét.
Hume nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp khẩn cấp để xác định và bảo vệ các khu vực bị xói mòn nghiêm trọng nhất. Điều này bao gồm:
• Xác định các khu vực có nguy cơ nước biển tràn vào
• Tính toán lượng cát cần thiết để lấp đầy các điểm xói lở
• Tìm nguồn cát từ cảng, cồn cát hoặc bãi biển để phục hồi
• Chuẩn bị trang thiết bị và xin giấy phép cần thiết
Bên cạnh đó, cần có giải pháp quản lý chủ động, bao gồm giám sát liên tục đường bờ biển, địa hình và khối lượng cát của dải cát chắn sóng.
Các giải pháp được đề xuất
Hume cho biết các biện pháp như bổ sung cát tại những khu vực dễ tổn thương, dựng hàng rào chắn cát và trồng hơn 100.000 cây trên cồn cát trong ba thập kỷ qua đã được xác định là những giải pháp hiệu quả và bền vững để tăng khả năng chống chịu của dải cát.
Ngoài ra, một bức tường chắn dài 800m dọc theo bờ trong của dải cát, được xây dựng sau cơn bão 1978, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cát tràn vào cảng và gây đóng cửa lối vào.
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen