// //]]> Meta nới lỏng quy định về phát ngôn thù địch

Breaking

Meta nới lỏng quy định về phát ngôn thù địch

Không chỉ loại bỏ hoạt động kiểm chứng thông tin, Meta còn tiếp tục nới lỏng các quy định về phát ngôn thù địch và lạm dụng trên các nền tảng của mình, đặc biệt liên quan đến xu hướng tính dục, bản dạng giới (sự nhận thức của một người về giới tính của bản thân họ) và tình trạng nhập cư.

CEO của Meta Mark ZuckerbergCEO của Meta Mark Zuckerberg (ảnh lưu trữ). (Nguồn: Getty)

Quyết định này đã gây lo ngại cho các nhà hoạt động bảo vệ nhóm yếu thế, những người cảnh báo rằng việc giảm bớt kiểm duyệt nội dung có thể dẫn đến những hậu quả nguy hại trong thực tế. CEO của Meta, ông Mark Zuckerberg, hôm thứ Năm tuyên bố rằng công ty sẽ "gỡ bỏ các hạn chế liên quan đến các chủ đề như nhập cư và giới tính vốn không còn phù hợp với các cuộc thảo luận phổ biến hiện nay," và viện dẫn các cuộc bầu cử gần đây làm lý do cho thay đổi này.

Chẳng hạn, Meta đã bổ sung vào các tiêu chuẩn cộng đồng của mình nội dung: "Chúng tôi cho phép các cáo buộc liên quan đến bệnh tâm thần hoặc sự bất thường khi dựa trên xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới, vì đây là một phần của các cuộc tranh luận chính trị và tôn giáo về chủ đề người chuyển giới và đồng tính, cũng như cách sử dụng thông thường của những từ như 'kỳ quặc'."

Nói cách khác, giờ đây người dùng Facebook, Threads và Instagram có thể gọi người đồng tính là "bệnh tâm thần" mà không bị coi là vi phạm quy tắc. Tuy nhiên, các hành vi xúc phạm như sử dụng hình ảnh blackface (trang điểm đen mặt để chế giễu người da đen) hay phủ nhận Holocaust (diệt chủng Do Thái) vẫn bị cấm.

Meta cũng đã xóa một câu khỏi phần giải thích chính sách của mình, vốn nhấn mạnh rằng phát ngôn thù địch "tạo ra môi trường đe dọa và loại trừ, và trong một số trường hợp có thể thúc đẩy bạo lực ngoài đời thực".

Ben Leiner, giảng viên tại Trường Kinh doanh Darden, Đại học Virginia, cho rằng: "Thay đổi chính sách này là một chiến thuật nhằm lấy lòng chính quyền sắp tới đồng thời giảm chi phí kinh doanh liên quan đến kiểm duyệt nội dung."

Leiner cảnh báo: "Quyết định này sẽ gây hại không chỉ tại Hoa Kỳ, nơi phát ngôn thù địch và thông tin sai lệch trên mạng xã hội đang gia tăng, mà còn ở các quốc gia khác, nơi thông tin sai lệch trên Facebook đã làm gia tăng xung đột sắc tộc, như tại Myanmar."

Thực tế, Meta từng thừa nhận vào năm 2018 rằng họ đã không làm đủ để ngăn chặn nền tảng của mình bị sử dụng để "kích động bạo lực ngoài đời" tại Myanmar, làm leo thang thù hận và bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya thiểu số tại quốc gia này.

Arturo Béjar, cựu giám đốc kỹ thuật của Meta với chuyên môn trong việc ngăn chặn quấy rối trực tuyến, cho biết ông lo ngại nhiều hơn về việc thay đổi chính sách xử lý nội dung độc hại của công ty, so với việc loại bỏ kiểm chứng thông tin.

Thay vì chủ động thực thi quy tắc chống tự làm hại, bắt nạt hay quấy rối, Meta giờ đây sẽ chỉ hành động sau khi nhận được báo cáo từ người dùng. Công ty cho biết sẽ tập trung hệ thống tự động vào việc xử lý "các vi phạm nghiêm trọng và bất hợp pháp, như khủng bố, khai thác tình dục trẻ em, ma túy, gian lận và lừa đảo".

Béjar nhận định: "Meta biết rằng khi một báo cáo được gửi và xử lý, nội dung đã gây ra phần lớn tác hại của nó. Tôi rùng mình khi nghĩ về những thay đổi này sẽ tác động đến giới trẻ như thế nào. Meta đang thoái thác trách nhiệm bảo vệ an toàn cộng đồng."

"Chúng ta sẽ không biết rõ tác động của những thay đổi này vì Meta từ chối minh bạch về những tác hại mà thanh thiếu niên phải chịu, và họ luôn tìm cách làm chậm hoặc cản trở các quy định pháp lý có thể giúp cải thiện tình hình," ông nói.

Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen

Previous Post
Previous Post Next Post

Du lịch

Rao vặt New Zealand

Thông tin Rao Vặt Người Việt tại New Zealand.

Tạo tài khoản ngay