104 thùng rác tái chế đã bị tịch thu từ các hộ gia đình ở Manurewa, Papakura và Wiri trong giai đoạn đầu của thử nghiệm nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm rác tái chế ngày càng gia tăng, dự kiến kết thúc vào tháng 5 năm 2024.
Tổng giám đốc Waste Solutions, Justine Haves, cho biết thùng đã bị tịch thu từ những cư dân liên tục vứt rác tổng hợp vào thùng tái chế của họ, ngay cả sau khi đã được cảnh báo.
Haves cho biết tình trạng ô nhiễm rác tái chế từ rác thải đóng bao, quần áo và hàng dệt may đang trở nên tồi tệ hơn và cần phải can thiệp.
"Tình trạng ô nhiễm trong quá trình tái chế thực sự gây thiệt hại cho chúng tôi, rõ ràng là nó làm chậm quá trình tái chế vật liệu tốt và hiện tại, tình trạng ô nhiễm khiến chúng tôi phải tốn khoảng 3,5 triệu đô mỗi năm để giải quyết".
"Chúng ta thực sự cần phải giảm thiểu điều đó và đảm bảo rằng chúng ta đang tái chế tốt thông qua hệ thống, để đảm bảo rằng hệ thống đang hoạt động tốt cho tất cả người dân Auckland."
Cuộc thử nghiệm có nhiều cách tiếp cận khác nhau tại bốn địa điểm và ít nhất hai cảnh báo đã được đưa ra trước khi những chiếc thùng rác tái chế bị lấy đi.
"Nếu tình trạng ô nhiễm đã xảy ra và người dân đã nhận được cảnh báo đầu tiên và thứ hai, thì ở một số khu vực của cuộc thử nghiệm, chúng tôi sẽ loại bỏ thùng rác sau khi thấy tình trạng ô nhiễmlần thứ ba. Vì vậy, chúng tôi thực sự cố gắng đưa ra các thông báo trước, sau đó việc loại bỏ thùng rác là bước thứ ba", Haves cho biết.
Trong tổng số 1504 căn hộ, nhà ở trong các khu vực thử nghiệm, có 1046 đã bỏ rác thải đóng bao hoặc các loại rác không thể tái chế khác vào thùng rác của họ và gắn nhãn đỏ vào thùng rác.
392 hộ gia đình ở ba khu vực - Wiri, Papakura và Manurewa - đã nhận được cảnh báo thứ hai vì lại tìm thấy rác thải trong thùng rác tái chế, và những người tái phạm ở Papakura và Wiri đã bị một viên chức hội đồng hoặc người làm công tác cộng đồng đến gõ cửa từng nhà.
Sau đó là lúc tạm biệt thùng rác có bánh xe và chào đón túi nhựa tái chế.
Haves cho biết tin tốt là việc gắn nhãn thùng rác và trò chuyện với những người hay tái phạm đã giúp mọi người tái chế tốt hơn.
"Chúng tôi đang tạo ra nhiều tác động hơn ở những khu vực mà chúng tôi vừa gắn nhãn lưu ý và trò chuyện giáo dục. Vì vậy, hãy gặp gỡ các viên chức hội đồng hoặc với những người làm công tác cộng đồng để thực sự hiểu về lý do tại sao tái chế đúng cách lại có ích."
"Điều này thực sự cho thấy rằng việc tạo ra sự hiểu biết cho mọi người cũng quan trọng như sự can thiệp, tôi cho rằng vậy. Thế nên, bây giờ chúng tôi quan tâm đến việc khám phá thêm về cách chúng tôi có thể mở rộng cách tiếp cận đó trên khắp Auckland để thực sự giúp giảm thiểu ô nhiễm nói chung."
Giai đoạn thứ hai của thử nghiệm hiện đang được mở rộng ra xa hơn nữa đến Nam và Tây Auckland và sẽ diễn ra cho đến ngày 28 tháng 2 năm 2025. Sau đó, các viên chức hội đồng sẽ xây dựng kế hoạch về cách đưa chiến lược này vào cuộc chiến chống rác thải trong thùng tái chế đến các khu vực còn lại của Auckland.
Những thứ có thể cho vào thùng tái chế
"Chúng ta có thể tái chế chai nhựa, khay và hộp đựng, bất kỳ vật dụng nào được đánh số 1, 2 hoặc 5, bạn cũng có thể tái chế chai lọ thủy tinh", Haves cho biết.
Bao gồm hộp đựng thực phẩm và đồ uống sạch, lon thép, nhôm và thiếc, giấy và bìa cứng.
"Một trong những thứ chúng ta không muốn cho vào thùng tái chế là túi nhựa hoặc nhựa mềm, chúng bị kẹt trong máy phân loại. Bạn có thể bỏ những thứ này tại các điểm thu gom tại các nhà bán lẻ địa phương".
Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen