Một nhà phân tích hàng không nổi tiếng tin rằng bí ẩn kéo dài 10 năm về chuyến bay MH370 sắp được giải mã.
Chuyến bay MH370 biến mất ngay sau khi cất cánh tại Kuala Lumpur vào tháng 3 năm 2014. (Nguồn: 1News)
Chính phủ Malaysia đã đồng ý nối lại cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích – nếu nhận được bằng chứng mới đáng tin cậy.
Geoffrey Thomas, người từng nhận Giải Thành tựu Trọn đời từ Hội Hàng không Hoàng gia ở London và Giải Thập kỷ Xuất sắc vì những đóng góp trong việc đưa tin về thảm kịch MH370, cho biết cơ hội tìm ra lời giải đang đến gần nhờ công nghệ mới mang lại bằng chứng quan trọng.
Chiếc máy bay Boeing 777 đã biến mất khỏi radar không lâu sau khi cất cánh vào ngày 8/3/2014. Chuyến bay này chở 239 người từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đến Bắc Kinh. Dữ liệu vệ tinh cho thấy máy bay đã đi chệch khỏi hành trình dự kiến, bay qua Ấn Độ Dương phía Nam và được cho là đã rơi xuống vùng biển này.
Nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia không thể tìm thấy chiếc máy bay, mặc dù các mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển Đông Phi và các đảo ở Ấn Độ Dương.
Một cuộc tìm kiếm tư nhân vào năm 2018 của công ty Ocean Infinity cũng không mang lại kết quả.
Tuy nhiên, Thomas nói với 1News: "Chúng tôi đã có bằng chứng mới đáng tin cậy dưới dạng một công nghệ được phát triển bởi Richard Godfrey – một kỹ sư hàng không vũ trụ người Anh – gọi là Công nghệ Theo dõi Tín hiệu Yếu (Weak Signal Propagation Reporter)."
Thomas đã hợp tác với Godfrey trong hơn bốn năm rưỡi để phát triển công nghệ này.
"Đơn giản mà nói, các nhà điều hành radio nghiệp dư gửi tín hiệu đi khắp thế giới hàng ngày, có hàng triệu tín hiệu như vậy. Khi một chiếc máy bay bay qua những tín hiệu này, nó làm nhiễu tín hiệu. Kể từ năm 2009, tất cả các tín hiệu sóng radio này đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc tế mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập."
Với công nghệ này, Godfrey đã có thể tái dựng lại hành trình bay của MH370 từ vị trí cuối cùng được biết đến chính xác và tạo ra một hành trình bay mới.
"Hành trình này có một điểm kết thúc – cách Perth, Tây Úc, 1560km về phía tây."
Với khu vực tìm kiếm cụ thể đã được xác định, các công ty nghiên cứu khác như Ocean Infinity có thể sử dụng các tàu để quét khu vực này bằng công nghệ quét mới.
Công trình của Godfrey đã được nhiều tổ chức xem xét. Ông cũng từng tham gia thiết kế một phần của Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Thomas cho biết khả năng sai sót trong công trình này là “gần như bằng không” vì gần như không có lưu lượng hàng không nào khác trong khu vực vào thời điểm MH370 mất tích.
"Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ tìm thấy nó."
Câu hỏi tiếp theo đối với Thomas là điều gì sẽ xảy ra khi họ tìm thấy nó.
"Malaysia có trách nhiệm với tư cách là một quốc gia có chủ quyền để tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn này," ông nói.
"Chúng ta cần xuống đó tìm hộp đen, xem xét các mảnh vỡ, buồng lái và xác định chính xác điều gì đã xảy ra."
Thomas nói rằng trong nhiều vụ tai nạn hàng không, các quốc gia và hãng bay không muốn nhận trách nhiệm, dẫn đến các cuộc điều tra thường bị sai sót.
Nhưng đối với những người thân của các nạn nhân, ông hy vọng việc tìm ra câu trả lời sẽ kết thúc "chuyến tàu lượn kinh hoàng" của các giả thuyết âm mưu.
"Đã có hơn 120 cuốn sách viết về vụ mất tích của MH370 và hầu hết chỉ là rác rưởi. Điều này rất đau đớn cho họ."
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen