Một công bố khoa học quốc tế do Đại học Otago dẫn đầu đã chỉ ra bệnh gout là một căn bệnh mãn tính có yếu tố di truyền, chứ không phải do chế độ ăn và lối sống.
Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Genetics, đã phân tích thông tin di truyền của 2,6 triệu người, và phát hiện ra rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích tại sao một số người mắc bệnh gout trong khi hầu hết những người khác thì không.
Giáo sư Merriman cho biết nguyên nhân cơ bản là do nồng độ urat trong máu tăng cao, dẫn đến tình trạng lắng đọng tinh thể muối urat trong khớp. Khi đó, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt để 'tấn công' các tinh thể này, gây ra những cơn đau và viêm.
Ông cũng khẳng định rằng “Di truyền đóng vai trò quan trọng trong tất cả các quá trình này".
Giáo sư Merriman kỳ vọng những phát hiện này sẽ dẫn đến những cải tiến trong phương pháp điều trị cho những bệnh nhân gout.
Bệnh gout là dạng viêm khớp phổ biến nhất ở nam giới, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp ba đến bốn lần so với nữ giới.
Bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc như allopurinol, giúp giảm nồng độ urat trong máu và ngăn ngừa tinh thể urat hình thành hoặc hòa tan chúng nếu chúng đã hiện diện.