Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được mẫu pho mát lâu đời nhất thế giới, được tìm thấy cùng với các xác ướp ở lưu vực Tarim ở Tân Cương, Tây bắc Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã chiết xuất và phân tích DNA từ pho mát cổ đại, phát hiện DNA của bò và dê cũng như DNA của các vi sinh vật vẫn được sử dụng cho đến ngày nay để sản xuất một loại pho mát kefir, hay còn gọi là Lactobacillus kefiranofaciens.
Kefir là loại đồ uống lên men từ sữa và hạt kefir, loãng hơn so với sữa chua uống. Nó được chắt lọc để chế biến một loại phô mai mềm.
Một trong những tác giả của bài báo, Qiaomei Fu từ Viện Cổ sinh vật học và Nhân chủng học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết đây là "mẫu pho mát lâu đời nhất từng được phát hiện trên thế giới".
Bà nhấn mạnh rằng việc bảo quản thực phẩm như pho mát qua hàng nghìn năm là rất khó, điều này tạo ra cơ hội hiếm có và quý giá để nghiên cứu.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Cell Press, cho phép các nhà khoa học quan sát các gen vi khuẩn trong pho mát kefir cổ đại, từ đó làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của vi khuẩn probiotic trong 3000 năm qua.
"Bằng cách kiểm tra các sản phẩm từ sữa, chúng tôi đã có được cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống của con người cổ đại và sự tương tác của họ với thế giới", Fu cho biết.
Khoảng hai thập kỷ trước, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những chất màu trắng bí ẩn được bôi trên đầu và cổ của một số xác ướp được tìm thấy tại nghĩa trang Xiaohe ở lưu vực Tarim, tây bắc Trung Quốc.
Những xác ướp này có niên đại khoảng 3300 đến 3600 năm trước, thuộc thời đại đồ đồng. Ban đầu, các nhà khoa học nghi ngờ rằng đây có thể là một loại sản phẩm từ sữa lên men, nhưng không thể xác định chính xác đó là loại nào.
Sau hơn một thập kỷ tiến bộ trong phân tích DNA cổ đại, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc chiết xuất DNA ty thể từ các ba mẫu được tìm thấy trong ba ngôi mộ khác nhau tại nghĩa trang.
"Điều thú vị là người Xiaohe cổ đại đã sử dụng các loại sữa động vật khác nhau theo từng mẻ, khác với việc trộn các loại sữa phổ biến trong quá trình làm pho mát ở Trung Đông và Hy Lạp.
Quan trọng nhất, nhóm nghiên cứu đã thu hồi được DNA của các vi sinh vật từ các mẫu sữa và xác nhận rằng các chất màu trắng thực chất là pho mát kefir.
Phát hiện của Trung Quốc đã vượt qua mẫu pho mát lâu đời nhất thế giới trước đó, một loại pho mát rắn có niên đại 3200 năm được tìm thấy trong lăng mộ của người cai trị thành phố Memphis cổ đại ở Ai Cập.