Sinh viên Đại học Auckland sẽ sớm được cung cấp băng vệ sinh miễn phí trong các phòng vệ sinh công cộng, thông qua sáng kiến sử dụng bao bì sản phẩm để quảng cáo.
Người sáng lập dự án “Ads on Pads” (Quảng cáo trên bao bì băng vệ sinh), Aditi Gorasia chia sẻ với 1News rằng niềm đam mê của cô đối với “Công bằng kinh nguyệt” bắt nguồn từ việc nghe những câu chuyện thực tế về những phụ nữ trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt.
Trong thời gian làm việc tại Hiệp hội Sinh viên Đại học Auckland, Gorasia đã tạo ra một không gian nơi mọi người có thể đến nghỉ ngơi, thư giãn, và nhận các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt miễn phí. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cảm thấy xấu hổ và phải giải thích lí do cho việc họ lấy sản phẩm. Họ thường phải lựa chọn giữa thực phẩm và băng vệ sinh, dẫn đến việc phải sử dụng giấy vệ sinh hoặc bỏ học để tránh chi phí cao.
Một cuộc khảo sát của Úc do tổ chức Share The Dignity thực hiện cho thấy hơn 77% sinh viên đại học Giáo dục Kỹ năng và Nâng cao (TAFE) gặp khó khăn trong việc mua các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt và 36% đã sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon hơn bốn giờ do giá thành của chúng.
Và theo tổ chức Kidscan, 52% phụ nữ ở New Zealand đã từng gặp khó khăn để mua một sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt và 25% đã phải nghỉ làm hoặc nghỉ học vì lí do này.
Gorasia đã nhìn nhận ra vấn đề, và cô quyết định tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững bằng cách hợp tác với các thương hiệu tài trợ quảng cáo trên băng vệ sinh dùng một lần. Mô hình này không chỉ giúp cung cấp sản phẩm miễn phí cho sinh viên mà còn mang lại nguồn thu cho các tổ chức từ thiện.
Dự án này sẽ phân phối hơn 3000 băng vệ sinh tự phân hủy sinh học hàng tuần đến các phòng tắm của Đại học Auckland, biến bao bì thành một không gian quảng cáo mạnh mẽ cho các thương hiệu và các tổ chức từ thiện có cùng chí hướng.
Quảng cáo đầu tiên xuất hiện trên bao bì băng vệ sinh là dành cho Quỹ Ung thư Vú, khuyến khích phụ nữ hình thành thói quen kiểm tra ngực của mình.
Chia sẻ về sự hợp tác này, giám đốc điều hành của Quỹ Ung thư Vú tại New Zealand, Ah-Leen Rayner cho biết việc đưa ra các vấn đề nhạy cảm về chu kỳ kinh nguyệt và ung thư vú là điều cần thiết.
Sonja Epskamp, cố vấn tuyên truyền sức khỏe tại Đại học Auckland, cho biết sinh viên phải đối mặt với khó khăn về việc tiếp cận các sản phẩm vệ sinh phụ nữ do chi phí sinh hoạt, điều này có thể ảnh hưởng đến phẩm giá và sự tự tin của họ.
Khi dự án này được triển khai, việc hợp tác với “Ads on Pads” cho phép đáp ứng nhu cầu này một cách bền vững hơn, phục vụ nhiều sinh viên hơn."
Trung bình, mỗi người phải chi khoảng 15 đô la mỗi tháng cho kỳ kinh nguyệt của mình, tương đương gần 7000 đô la trong suốt cuộc đời của mình. Con số này không bao gồm thuốc giảm đau, đồ lót mới hoặc những ngày nghỉ do kỳ kinh nguyệt.
Gorasia bày tỏ mong muốn mở rộng dự án “Ads on Pads” đến các địa điểm đông người khác như trung tâm mua sắm và sân bay, thậm chí toàn cầu.
Hiện tại, dự án đang bắt đầu triển khai ở Aotearoa, tiếp theo là Úc và Hoa Kỳ.