Theo Imogen Foulkes, phóng viên BBC Geneva
Khách du lịch thưởng ngoạn cảnh đẹp như tranh vẽ của Hồ Lucerne, Thun hay Hồ Neuchatel có thể sẽ ngạc nhiên khi biết những gì nằm bên dưới dòng nước trong xanh đó.
Trong nhiều năm, quân đội Thụy Sĩ đã sử dụng các hồ này làm nơi đổ bỏ đạn dược cũ, với hy vọng rằng chúng có thể được xử lý an toàn.
Chỉ riêng ở Hồ Lucerne, ước tính có khoảng 3.300 tấn đạn dược, trong khi ở hồ Neuchatel có khoảng 4.500 tấn, nơi không quân Thụy Sĩ từng thực hành ném bom cho đến năm 2021.
Một số loại đạn dược nằm ở độ sâu từ 150 đến 220 mét, nhưng một số khác ở Hồ Neuchatel chỉ cách mặt nước khoảng sáu hoặc bảy mét.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang treo thưởng 50.000 franc (tương đương 95.000 đô la NZ) cho ai đưa ra ý tưởng tốt nhất nhằm xử lý chúng.
Ba ý tưởng xuất sắc nhất sẽ chia nhau giải thưởng, mặc dù chi phí cho hoạt động xử lý dự kiến lên tới hàng tỷ đô la.
Nguy cơ tiềm ẩn
Thực tế, việc nhiều loại đạn được đổ xuống các hồ Thụy Sĩ đã được biết đến trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù gần đây mọi người đã đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn.
Marcos Buser, nhà địa chất học người Thụy Sĩ đã nghỉ hưu, từng cảnh báo về nguy cơ từ các bãi đổ. Ông cho biết đạn dược tiềm ẩn hai nguy cơ.
Thứ nhất, mặc dù nằm ở dưới nước, nhưng vẫn có nguy cơ phát nổ, vì quân đội đã không tháo ngòi nổ trước khi đổ xuống hồ.
Thứ hai là nguy cơ ô nhiễm nước và đất, đặc biệt là thành phần thuốc nổ TNT có thể gây hại cho môi trường.
Chính phủ Thụy Sĩ thừa nhận rằng việc xử lý đạn dược gặp nhiều thách thức lớn. Một đánh giá kỹ thuật vào năm 2005 cho thấy tất cả các giải pháp được đề xuất đều có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho hệ sinh thái nhạy cảm của các hồ.
Lịch sử các vấn đề
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Thụy Sĩ bị chỉ trích vì sự bất cẩn trong việc xử lý đạn dược. Ngôi làng trên núi Alpes thuộc Mitholz đã trải qua một vụ nổ lớn vào năm 1947, khi 3.000 tấn đạn dược lưu trữ trong núi phát nổ, khiến chín người thiệt mạng và ngôi làng bị phá hủy. Vụ nổ còn được nghe thấy cách thành phố Zurich 160km.
Ba năm trước, quân đội tiết lộ rằng 3.500 tấn đạn dược chưa nổ vẫn còn chôn trong núi không còn an toàn và dự kiến sẽ di dời chúng.
Điều này có nghĩa là cư dân Mitholz bị buộc ly khai nơi ở trong vòng một thập kỷ để tiến hành xử lý và di dời.
Ngoài ra, cũng có những vụ bê bối liên quan đến chiến lược phòng thủ thời Chiến tranh Lạnh của Thụy Sĩ trung lập, khi quân đội đã đặt mìn cho các cây cầu và đường hầm để chống lại sự xâm lược. Một số cây cầu cần được rà phá bom mìn nhanh chóng do nguy cơ kích hoạt vụ nổ từ các xe hàng hạng nặng hiện đại.
Theo rnz.co.nz - Pepper