Hiện nay, nhiều dân sống tại New Zealand có thể đang lo lắng
dõi theo các tiêu đề khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về
sức khỏe toàn cầu trong bối cảnh các ca bệnh virus mpox gia tăng. Vậy chúng ta
cần lưu ý điều gì?
WHO đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng
đồng sau khi có sự gia tăng các ca nhiễm virus mpox trên khắp Châu Phi.
Trước đó hầu hết các ca bệnh trên toàn lục địa này được báo
cáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng 13 quốc gia Châu Phi vốn chưa bị ảnh hưởng
trước đây cũng đã có dịch, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda.
Cho đến nay, đã có hơn 2800 ca bệnh virus mpox được báo cáo
trên khắp các quốc gia này vào năm 2024, với hơn 500 ca tử vong.
Số ca nghi ngờ mắc bệnh vào năm 2024 đã vượt quá 17.000, cao
hơn nhiều so với những năm trước — và có khả năng không phản ánh đúng tình hình
lây lan của căn bệnh này ở Châu Phi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch
bệnh Châu Phi (Africa CDC).
"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi chúng ta
xem xét nhiều điểm yếu trong quá trình giám sát, xét nghiệm trong phòng thí
nghiệm và truy vết tiếp xúc", báo cáo cho biết.
Tổng giám đốc CDC Châu Phi- Tiến sĩ Jean Kaseya đã kêu gọi
các đối tác quốc tế cùng nhau hợp tác để ứng phó với tình trạng khẩn cấp, đồng
thời cho biết mpox "không chỉ là vấn đề của Châu Phi".
"Cuộc chiến chống lại mpox đòi hỏi một phản ứng toàn cầu.
Chúng tôi cần sự hỗ trợ, chuyên môn và sự đoàn kết của các bạn. Thế giới không
thể nhắm mắt làm ngơ trước cuộc khủng hoảng này", ông cho biết.
Mpox và New Zealand
Hôm qua, Bộ Y tế New Zealand Te Whatu Ora đã chia sẻ với
1News rằng lời khuyên công khai của họ về mpox vẫn không thay đổi.
Một phát ngôn viên cho biết cơ quan y tế quốc gia luôn theo
dõi tình hình ở nước ngoài khi nói đến các bệnh truyền nhiễm.
New Zealand đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh mpox
(khi đó được gọi là bệnh đậu mùa khỉ) vào tháng 7 năm 2022 khi một đợt bùng
phát toàn cầu khiến căn bệnh này lan đến hơn 100 quốc gia.
Bộ Y tế New Zealand cho biết đã có 53 trường hợp mắc bệnh
mpox trong nước kể từ đó.
Cho đến nay đã có bốn trường hợp mắc bệnh mpox được báo cáo
tại New Zealand trong năm 2024, tất cả đều ở Auckland.
Mpox là một bệnh do vi-rút hiếm gặp có thể lây lan qua tiếp
xúc gần với các tổn thương trên da, dịch cơ thể, các giọt bắn hoặc các vật liệu
bị nhiễm bẩn, như quần áo, khăn tắm hoặc các đồ dùng trên giường
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh mpox, tuy nhiên các trường hợp
mắc bệnh ở New Zealand chủ yếu liên quan đến nam giới quan hệ tình dục với nam
giới và bạn tình của họ.
Hầu hết những người mắc bệnh mpox đều bị tổn thương da có thể
cực kỳ đau đớn. Những người bị nhiễm bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng của bệnh
cảm lạnh và cúm, như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể và mệt mỏi.
Còn vắc-xin thì sao?
New Zealand đã có vắc-xin mpox.
Hiện tại, vắc-xin này có sẵn cho những người đồng tính nam,
song tính và những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới, những người
chuyển giới và phi nhị giới có phát sinh quan hệ tình dục với nam giới và những
người tiếp xúc gần với người mắc bệnh mpox.
Trước tiên, cần phải có bác sĩ kê đơn vắc-xin. Những người
có nguy cơ mắc bệnh mpox cao hơn có thể đặt lịch tư vấn với chuyên gia y tế để
thảo luận về các lựa chọn của họ.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các ứng cử viên
vắc-xin mpox vào danh sách sử dụng khẩn cấp (emergency use listing- EUL) để ứng
phó với đợt bùng phát đang gia tăng ở Châu Phi.
Quy trình EUL nhằm mục đích đẩy nhanh việc tiếp cận vắc-xin
để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cần làm gì nếu bạn nghĩ mình mắc bệnh mpox
Lời khuyên về các trường hợp mắc bệnh mpox tiềm ẩn ở New
Zealand vẫn như cũ.
Health NZ Te Whatu Ora cho biết bất kỳ ai cho rằng mình đã
tiếp xúc với người bệnh mpox hoặc xuất hiện các triệu chứng của bệnh nên tìm đến
các trung tâm y tế kiểm tra và tư vấn.
Mọi người có thể liên hệ với phòng khám sức khỏe tình dục gần
nhất, bác sĩ gia đình hoặc Healthline miễn phí theo số 0800 611 116, nơi có cung
cấp dịch vụ phiên dịch.
Theo 1news.co.nz – Duong Nguyen