Việc mở cánh cửa tiếp cận thị trường cần sa y tế toàn cầu đã được coi là cứu cánh cho những người làm việc trong ngành công nghiệp New Zealand.
Giám đốc chất lượng, Bruce Wallace của Helius cho biết: “Nút chai sâm panh đã bật”.
"Tiềm năng xuất khẩu của ngành cần sa y tế là rất lớn - nó có thể sánh ngang với ngành rượu vang trong vài năm tới."
Gần đây Nội các đã phê duyệt những thay đổi đối với Chương trình Cần sa Y tế, nhanh chóng dọn đường cho các công ty xuất khẩu.
Sally King, giám đốc điều hành Hội đồng Cần sa Y tế New Zealand cho biết: “Hầu hết mọi người đều thực sự gặp khó khăn để giữ nhân viên của mình và duy trì các chương trình nghiên cứu của họ”.
Wallace cho biết hiện tại "cảm giác rất nhẹ nhõm - cũng như rất nhiều hứng thú và lạc quan - về tương lai".
Hiện nay xuất khẩu chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ quan có thẩm quyền nhập khẩu chứ không phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của New Zealand.
Wallace cho biết: “Các yêu cầu ở các thị trường khác mâu thuẫn với các yêu cầu của New Zealand và điều đó chỉ cản trở hoạt động xuất khẩu của nhiều công ty trong ngành”.
Giờ đây, các công ty cần sa y tế như Helius ở Auckland đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.
“Chúng tôi và những công ty khác trong ngành hiện có khả năng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm ít thách thức hơn. Điều đó có nghĩa là sự tăng trưởng cho chúng tôi và đội ngũ của chúng tôi”.
Nó cũng có thể có nghĩa là có nhiều việc làm hơn.
King nói: “Rất nhiều tổ chức không ở thành phố - thực tế là họ ở các khu vực nông thôn. Và không phải tất cả các công việc đều là công nghệ thấp - họ yêu cầu một số kiến thức khoa học khá sâu sắc cũng như một số kỹ năng làm vườn”.
Bộ trưởng Thương mại Todd McClay cho biết những thay đổi này mang lại cơ hội cho những người trồng trọt và sản xuất ở New Zealand.
“Cần sa y tế là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô trên toàn cầu với quỹ đạo tăng trưởng được dự đoán mạnh mẽ.
Ông nói: “Lợi thế cạnh tranh của New Zealand bao gồm điều kiện phát triển quanh năm, chuyên môn về làm vườn, chứng nhận Thực hành Sản xuất Tốt, [và] mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”.
Bộ trưởng Quy định David Seymour cho biết các chính trị gia không phải là người chọn ra người chiến thắng trong nền kinh tế.
Seymour nói: “Thị trường sẽ quyết định liệu lĩnh vực này có phát triển hay không. Công việc của Chính phủ là đảm bảo các quy định không gây cản trở – đó là những gì chúng tôi đang làm”.
Việc sử dụng cần sa làm thuốc được kê đơn trong nước đã tăng gấp đôi trong năm qua, nhưng sản phẩm này vẫn còn đắt đối với bệnh nhân.
King nói: “Nếu tôi đang ở trong phòng với Nội các ngay bây giờ, tôi sẽ nói trước tiên là cảm ơn và sau đó tôi sẽ nói ‘hãy hỗ trợ bệnh nhân bằng cách cung cấp nhiều thứ hơn’.
Tại Wellington, bác sĩ Richard Medlicott kê đơn cần sa làm thuốc cho khoảng 10 bệnh nhân của ông.
Medlicott cho biết: “Điều này phụ thuộc vào số lượng thuốc được kê đơn nhưng nhìn chung, mọi người sẽ chi khoảng 150 đến 400 đô một tháng tùy theo liều lượng”.
Wallace cho biết những thay đổi về quy định xuất khẩu "thực sự là một chiến thắng cho bệnh nhân Kiwi".
Ông nói: “Nó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh nhiều hơn tại địa phương và tạo ra nhiều sản phẩm có giá cả phải chăng hơn cho bệnh nhân Kiwi”.
Những thay đổi này cũng sẽ giúp hướng tới mục tiêu của Chính phủ là tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu cần sa dược liệu trong 10 năm tới.
Theo 1news.co.nz – Noo Thuyen