Các trường đại học đang cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu chính phủ không đồng ý gia hạn khoản tài trợ một lần (one-off funding) do chính phủ tiền nhiệm thực hiện.
Ngành này đang ở giữa một năm khó khăn khác, với một nửa trong số tám trường đại học dự kiến sẽ mất hàng triệu đô.
Giám đốc điều hành của Universities New Zealand- Chris Whelan chia sẻ với phóng viên RNZ rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Ngân sách năm tới không xác nhận tăng thêm 4% trợ cấp cho việc tuyển sinh ở mức degree-level trở lên, chỉ trong năm 2024 và 2025.
Khoản tăng này nằm trên mức tăng 5% đối với tỷ lệ trợ cấp vào năm 2024 và trị giá khoảng 128 triệu đô. Ngân sách chính phủ năm nay đã tăng tỷ lệ trợ cấp năm 2025 thêm 2,5%.
"Có một mối lo ngại sâu sắc rằng nguồn tài trợ đó sẽ kết thúc vào tháng 12 năm sau; về cơ bản, nguồn tài trợ cho lĩnh vực này sẽ giảm khoảng 8% vào thời điểm đó và điều đó sẽ là thảm họa", Whelan cho biết.
"Khi nói chuyện với các giám đốc tài chính của các trường đại học, đó là mối quan tâm hàng đầu của họ"
"Sẽ có những vấn đề rất nan giải và những lựa chọn khó khăn mà các trường đại học sẽ phải đưa ra nếu trong ngân sách tiếp theo, không có tín hiệu rõ ràng nào cho thấy nguồn tài trợ đó vẫn tiếp tục".
"Nếu nó dừng lại, thì đó sẽ là một vấn đề thực sự đối với lĩnh vực này".
Whelan cho biết năm nay là một năm khó khăn, mặc dù chính phủ đã tăng nguồn tài trợ.
"Chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không có gì thay đổi cơ bản trong tình hình tài chính của lĩnh vực đại học. Có một số điều tích cực, một số điều tiêu cực. "
"Những điều tích cực như số lượng sinh viên quốc tế đã phục hồi tốt và điều đó thật tuyệt vời".
"Mặt khác, lạm phát vẫn ở mức cao và điều đó đã làm xói mòn rất nhiều vào các tiêu chuẩn cơ bản của các trường đại học, những nơi đang phải trang trải rất nhiều chi phí tăng thêm."
Sinh viên nước ngoài đã giúp các trường đại học trang trải chi phí, nhưng họ không phải là giải pháp tối ưu cho những khó khăn của ngành, Whelan cho biết.
"Điều đó thực sự hữu ích. Nhưng ngay cả khi [trở lại] mức tốt nhất trước Covid, sinh viên quốc tế vẫn đóng góp khoảng 16% tổng doanh thu của khu vực đại học. Vì vậy, chúng ta chỉ đơn giản là đang phục hồi trở lại mức trước Covid".
"Điều này quan trọng, có giá trị, nhưng nó sẽ không tự giải quyết được những thách thức tài chính của khu vực đại học".
Bộ trưởng Giáo dục Đại học Penny Simmonds cho biết bà thừa nhận các trường đại học đang trong một môi trường tài chính đầy thách thức do sự kết hợp của nhiều yếu tố như nguồn tài trợ hạn chế, chi phí tăng do lạm phát và tác động của Covid-19 đối với việc tuyển sinh sinh viên quốc tế.
"Việc tăng thêm 4% cho trợ cấp học phí cho chương trình từ mức degree-level trở lên trong năm 2024 và 2025 nhằm mục đích cung cấp cho các trường đại học sự hỗ trợ có giới hạn về thời gian khi họ xoay sở để vượt qua những vấn đề đầy thách thức này", bà cho biết.
"Không có quyết định nào về việc gia hạn mức tăng này, điều này cần được xem xét cùng với các áp lực ngân sách cạnh tranh trong bối cảnh tài chính đầy thách thức".
Simmonds cho biết chính phủ sẽ tăng trợ cấp học phí bậc đại học (teriary tuition subsidies) thêm 2,5% vào năm 2025, phù hợp với dự báo lạm phát và cũng đã đề xuất cho phép các nhà cung cấp giáo dục bậc đại học tăng học phí lên tới 6%, bù đắp cho các khoản tăng trước đó không theo kịp lạm phát.
Một nhóm cố vấn đại học đang xem xét những thách thức mà các trường đại học phải đối mặt, bao gồm cả hệ thống tài trợ, bà cho biết.
Các khoản thâm hụt sắp tới
Các trường đại học Auckland, AUT, Victoria và Lincoln chia sẻ với phóng viên RNZ rằng họ dự kiến sẽ hòa vốn hoặc đạt thặng dư tài chính trong năm nay.
Trường đại học Waikato, Massey và Otago đã dự báo thâm hụt và mặc dù Canterbury không cung cấp số liệu nhưng trước đó họ đã dự đoán sẽ lỗ.
Bốn trường đại học này cũng đã thâm hụt vào năm ngoái; vào năm 2022, sáu trường đại học đã lỗ.
AUT cho biết sinh viên trong nước và quốc tế đang quay trở lại đều đặn và họ dự báo sẽ có thặng dư. Họ cũng đã đồng ý tăng lương cho nhân viên trong năm nay và năm sau.
Waikato cho biết họ dự báo mức thâm hụt khoảng 7 triệu đô, nhưng số lượng tuyển sinh đang tăng và kết quả cuối cùng có thể là mức thâm hụt thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
"Nhìn về phía trước, trường đại học đang lạc quan một cách thận trọng về việc đạt được vị thế hòa vốn hoặc thậm chí là thặng dư vào năm 2025", họ cho biết.
Một báo cáo trình bày tại cuộc họp hội đồng của Đại học Massey tuần này cho biết họ dự báo mức thâm hụt 17,8 triệu đô trong năm nay, giảm so với mức lỗ theo ngân sách ban đầu là 30 triệu đô.
Báo cáo cho biết số lượng tuyển sinh trong nước và quốc tế cao hơn ngân sách, nhưng một số chi phí cũng được dự kiến sẽ cao hơn kế hoạch.
Victoria cho biết họ dự báo thặng dư 2,5 triệu đô.
Trường đại học này đang ở trong tình hình tài chính lành mạnh được hỗ trợ bởi sự gia tăng về số lượng sinh viên mới, giữ chân sinh viên hiện tại và quản lý chi phí cẩn thận, báo cáo cho biết.
Lincoln cho biết họ dự kiến mức thặng dư khiêm tốn.
"Dự báo này được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ và liên tiếp về số lượng tuyển sinh trong nước và quốc tế. Trong khi đó, trường vẫn không có nợ và duy trì vị thế tiền mặt lành mạnh để có thể tiếp tục thúc đẩy chương trình phát triển vốn mở rộng của mình", báo cáo cho biết.
Otago cho biết họ dự kiến thâm hụt 24 triệu đô. Điều này xảy ra sau khi số lượng tuyển sinh tại đây giảm trong năm thứ ba liên tiếp.
Canterbury không cung cấp con số, nhưng trước đó đã dự báo thâm hụt.
Trong khi đó, các báo cáo thường niên năm 2023 cho thấy nợ ngắn hạn và các khoản nợ hiện tại khác của các trường đại học đã vượt quá 2 tỷ đô lần đầu tiên vào năm ngoái.
Chỉ có hai trong số tám trường đại học, Canterbury và Lincoln, báo cáo vốn lưu động dương – vì tài sản hiện tại của họ trừ đi các khoản nợ hiện tại.
Kết quả này được đưa ra sau cảnh báo của Ủy ban Giáo dục Đại học rằng ngành này đang chịu áp lực chưa từng có.
Tuy nhiên, các báo cáo thường niên cũng cho thấy nợ dài hạn của ngành đã giảm kể từ khi đại dịch bắt đầu, từ hơn 304 triệu đô vào năm 2019 xuống còn 213 triệu đô vào năm ngoái.
Massey và Victoria báo cáo không có nợ trong khi Auckland có tổng số nợ lớn nhất, 126 triệu đô, phần lớn là khoản vay của Crown Infrastructure Partners để cải tạo tòa nhà.
Các báo cáo cho thấy số lượng sinh viên toàn thời gian năm 2023 đã giảm tại 5 trường đại học nhưng lại tăng tại Waikato, Canterbury và Lincoln.
Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen