Chi phí tham quan Aotearoa New Zealand đối với du khách trung bình là bao nhiêu? Chính phủ đã đề xuất tăng giá vé vào cửa – hay còn gọi là thuế bảo tồn và du lịch quốc tế (IVL*) – từ 35 đô la New Zealand lên 100 đô.
Mục đích là để người nộp thuế của New Zealand giảm bớt một số chi phí du lịch mà họ hiện đang phải chịu. Nhưng điều này cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về chiến lược du lịch tổng thể của đất nước và về đối tượng du khách được khuyến khích đến đây.
Chính phủ Lao động tiền nhiệm đã giới thiệu IVL vào năm 2019 để đóng góp vào các dự án cơ sở hạ tầng và bảo tồn du lịch, cũng như giúp tạo ra sự tăng trưởng du lịch hiệu quả, bền vững và toàn diện.
Đồng thời, ngành du lịch (Tourism New Zealand) đã tích cực vận động để thu hút khách du lịch, những người sẽ đến thăm nhiều khu vực hơn, đi du lịch vào các mùa khác nhau – và chi tiêu nhiều hơn.
Vậy, chúng ta có muốn tập trung vào việc thu hút những khách du lịch có mức chi tiêu cao không? Hay chúng ta muốn thu hút một lượng lớn khách du lịch thuộc mọi loại hình và tính phí cao hơn? Câu trả lời sẽ có ý nghĩa rộng lớn đối với việc liệu đất nước New Zealand có trở thành một điểm đến thích hợp, điểm đến cao cấp hay là một điểm dừng chân khác trên bản đồ du lịch đại chúng hay không.
Giá trị đạt được
Du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế New Zealand, thu về khoảng 17,5 tỷ đô một năm (khoảng 48 triệu đô một ngày) trước khi có COVID. Tất nhiên, giai đoạn đại dịch đã khiến ngành công nghiệp này phải duy trì sự sống, nhưng nó cũng mang đến một cơ hội độc đáo để suy nghĩ và định hình lại chính sách du lịch.
Một chiến lược nổi lên là thu hút phân khúc du khách "có giá trị cao" thay vì quay lại mô hình du lịch đại chúng trước đại dịch. Một số điểm đến phổ biến đã từng rơi vào tình trạng quá tải. Điều này gây áp lực lên cả tính bền vững của môi trường và chất lượng trải nghiệm của du khách.
Sự thay đổi được đề xuất này không chỉ xảy ra ở New Zealand. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều quốc gia đã khám phá ra tiềm năng của du lịch bền vững và có giá trị cao hơn sau khi biên giới mở cửa trở lại.
Nhưng cách tiếp thị du lịch ở thị trường nước ngoài của New Zealand từ lâu đã thể hiện là đây một quốc gia chào đón tất cả mọi người. Tình trạng căng thẳng giữa việc bao gồm toàn bộ hay độc quyền cũng dẫn đến thách thức với khái niệm manaakitanga của người Māori – nghĩa là lòng hiếu khách và sự hào phóng - vốn là chìa khóa của thông điệp du lịch.
Nhóm phụ trách chiến lược và nhận thức tại Bộ Bảo tồn (Department of Convervation) đã đề xuất một cách để vượt qua nghịch lý này: chuyển hướng câu chuyện từ du lịch giá trị cao sang du lịch dựa trên giá trị "cho đi nhiều hơn nhận lại".
Trong khi đó, Du lịch New Zealand đang thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn về cách thu hút và làm hài lòng những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, vốn đã được nhắm mục tiêu thông qua chương trình hợp tác cao cấp của mình.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Du lịch bấy giờ là ông Stuart Nash, đã nói về một tầm nhìn mới "nhắm mục tiêu đến khách du lịch chất lượng cao". Sau đó, ông đã làm rõ điều này, nói rằng "chất lượng" ám chỉ những người ở lại ít nhất mười ngày và chi nhiều tiền hơn. Ông cũng muốn New Zealand trở thành một trong ba "điểm đến đầy tham vọng" hàng đầu thế giới.
Những lời kêu gọi thiết lập lại chiến lược du lịch
Một cuộc khảo sát của Du lịch New Zealand được công bố ngay trước cuộc bầu cử năm ngoái cho thấy thông điệp của Nash có thể đã được một số người đồng tình - 15% ủng hộ việc thu hút "chất lượng cao hơn" của khách du lịch và 30% muốn hạn chế số lượng khách du lịch trên đất công.
Với du lịch hiện đang tiến gần đến con số trước COVID và du khách quốc tế chi tiêu tăng 1,3 tỷ đô so với năm trước, câu hỏi về số lượng và phân khúc khách du lịch mà chúng ta muốn trở nên cấp bách hơn.
Để đạt được mục tiêu đó, hiệp hội doanh nghiệp Tourism Industry Aotearoa đã công bố Du lịch 2050: Bản thiết kế cho tác động (A blueprint for impact). Bản thiết kế này nhằm mục đích "thiết lập lại chiến lược của ngành" và kêu gọi chính phủ đưa ra tuyên bố chính sách du lịch quốc gia.
Trong số mười hành động chính được khuyến nghị của bản thiết kế, tính bền vững của môi trường và việc tiếp thu văn hóa và kiến thức của người Māori là nổi bật. Điều này bao gồm việc đưa Lời hứa Tiaki (Tiaki Promise) vào, một sáng kiến của ngành bắt đầu vào năm 2018 để khuyến khích khách du lịch quan tâm đến con người, địa điểm và văn hóa của New Zealand.
Tìm kiếm sự cân bằng
Với chi tiêu của du khách quốc tế tăng 18% so với mức trước COVID, Tourism New Zealand đã lạc quan rằng chiến lược của mình đang mang lại hiệu quả. Nhưng bất kỳ khoản tăng nào đối với thuế du khách quốc tế đều cần được truyền đạt một cách cẩn thận.
Mặc dù 100 đô có vẻ không nhiều trong bối cảnh tổng chi phí của một kỳ nghỉ ở nước ngoài, nhưng đây vẫn là một rào cản khác về giá. Và việc công khai nhắm mục tiêu vào những du khách có giá trị cao cho thấy những du khách khác có giá trị thấp.
Nếu bản chất của manaakitanga là mọi người đến như những người xa lạ nhưng rời đi như whānau (gia đình), thì tính xác thực của thông điệp du lịch của New Zealand cần phải rõ ràng.
Đúng là du lịch xa xỉ là một thị trường đang tăng trưởng. Nhưng việc thể hiện cam kết với môi trường và văn hóa bản địa có thể hấp dẫn cả những người du lịch ba lô cũng như những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Việc thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình lập kế hoạch du lịch sẽ rất quan trọng để đảm bảo lợi ích được chia sẻ rộng rãi và toàn bộ đất nước có thể cho thấy manaakitanga. Nuôi dưỡng một ngành du lịch bền vững hơn có nghĩa là quan tâm đến mọi người.
Thành công của chiến lược nằm ở khả năng cân bằng giữa tính độc quyền và tính bao gồm toàn bộ: khuyến khích mọi phân khúc du khách, không tăng quá nhiều thuế du lịch và đảm bảo New Zealand vẫn là thiên đường chào đón và bền vững cho tất cả mọi người.
*Chú thích: IVL là khoản thuế bắt buộc đối với hầu hết các du khách có thị thực du lịch. Chính phủ New Zealand sử dụng IVL để cải thiện cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển bền vững tại các điểm tham quan du lịch của đất nước.
Theo theconversation.com- Duong Nguyen