Các quy định về xuất khẩu động vật sống của New Zealand sẽ được thay đổi theo chính phủ liên minh. Bài viết của Ben McQueen giải thích những loài động vật mà New Zealand vẫn đang xuất khẩu ra nước ngoài và những thay đổi nào dự kiến sẽ xảy ra đối với ngành này.
Xuất khẩu động vật sống đã là tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi trong nhiều thập kỷ.
Chính phủ đảng Lao động trước đó đã đưa ra cải cách đầu tiên trên thế giới để cấm phần lớn xuất khẩu động vật sống. Có vẻ như bây giờ, chính phủ liên minh sẽ đưa hoạt động này trở lại.
Xuất khẩu động vật sống là gì?
Trên thế giới, xuất khẩu động vật sống được biết đến là hoạt động vận chuyển động vật sống, bằng đường biển hoặc đường hàng không, đến các thị trường nước ngoài, thường là với mục đích chăn nuôi, nhân giống hoặc giết mổ.
Thông thường, gia súc sống được xuất khẩu là bò, cừu, hươu và dê.
Điểm gây tranh cãi xung quanh hoạt động xuất khẩu động vật sống liên quan đến xuất khẩu bằng đường biển, vốn có thể gây ra nhiều rủi ro đáng kể hơn là an toàn của động vật được vận chuyển.
New Zealand hiện đang xuất khẩu những loài động vật nào và ở đâu?
Năm ngoái, New Zealand đã xuất khẩu hơn ba triệu gà con một ngày tuổi sang 20 quốc gia khác nhau, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Fiji, Malaysia, Papua New Guinea và Philippines, theo số liệu thống kê của Bộ Công nghiệp Sơ cấp (MPI).
New Zealand cũng đã xuất khẩu hơn 30.000 con ong sống và ấu trùng ong sang Canada, thường được vận chuyển trong các bưu kiện chứa vài nghìn con ong và một ong chúa.
Năm 2023, gần 4000 con dê đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng phần lớn trong số đó là trước khi lệnh cấm của Đảng Lao động có hiệu lực vào tháng 4.
Tương tự như vậy, trong bốn tháng trước lệnh cấm của Đảng Lao động năm ngoái, New Zealand đã xuất khẩu gần 30.000 con bò sang Trung Quốc. Năm 2022, hơn 150.000 con bò đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm ngoái, New Zealand cũng đã xuất khẩu 200 con cừu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Peru và các quốc gia khác.
Ngoài ra còn có một số mặt hàng xuất khẩu khác, bao gồm 14 con lạc đà alpaca và llamas sang Vương quốc Anh, 200 con chim sang Đài Loan, Nhật Bản và Úc, và hơn 2000 con ngựa sang Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và các quốc gia khác.
Kể từ khi Đảng Lao động cấm xuất khẩu động vật sống bằng đường biển, gia súc phần lớn không còn được xuất khẩu nữa vì vận chuyển bằng đường hàng không khó khăn hơn nhiều.
Lệnh cấm của Đảng Lao động đã thay đổi điều gì?
Chính phủ Đảng Lao động đã sửa đổi Đạo luật Phúc lợi Động vật năm 1999 để cấm xuất khẩu gia súc (bò, hươu, cừu và dê) bằng đường biển.
Trước đây, gia súc có thể được xuất khẩu bằng đường biển nếu có Giấy chứng nhận Xuất khẩu động vật an toàn (AWEC) đi kèm.
Cải cách của Đảng Lao động diễn ra sau vụ chìm tàu Gulf Livestock 1 năm 2020 trong một cơn bão, khiến 41 thành viên thủy thủ đoàn và 6000 gia súc thiệt mạng.
Bộ trưởng Nông nghiệp Meka Whaitiri khi đó đã phát biểu trong lần đọc đầu tiên của dự luật: “Chính phủ, giống như một số người trong ngành nông nghiệp, tin rằng hoạt động buôn bán gia súc khiến New Zealand và những người nông dân phải chịu tổn hại về danh tiếng lâu dài, bất kể chúng ta đặt ra tiêu chuẩn an toàn động vật cao như thế nào cho các chuyến đi”.
“Xuất khẩu gia súc bằng đường biển đã tăng trong những năm gần đây, nhưng chúng chỉ chiếm khoảng 0,2% doanh thu xuất khẩu chính của chúng ta kể từ năm 2015”.
Mối quan tâm chính liên quan đến an toàn của động vật, cả trong quá trình vận chuyển và sau khi chúng đến quốc gia đích, nơi các tiêu chuẩn an toàn có thể khác nhau, cũng như thiệt hại tiềm tàng mà ngành này có thể gây ra cho hình ảnh quốc tế “sạch, xanh” của New Zealand.
Sự phản đối lệnh cấm này đến từ các đảng Quốc gia và ACT, cũng như những người chăn nuôi gia súc, những người bảo vệ hoạt động buôn bán này vì doanh thu mà nó tạo ra cho nền kinh tế - khoảng 300 triệu đô vào năm 2022.
Việc Đảng Lao động sửa đổi đạo luật đã đưa ra thời gian thích ứng là hai năm để cho phép những người nông dân và các bên liên quan khác trong ngành thích nghi với những thay đổi.
Từ ngày 30 tháng 4 năm 2023, gia súc bao gồm bò, cừu, hươu và dê chính thức bị cấm xuất khẩu bằng đường biển.
Chính phủ liên minh có kế hoạch gì?
Chính phủ liên minh đã cam kết khôi phục xuất khẩu gia súc bằng đường biển với các tiêu chuẩn an toàn cho gia súc được tăng cường, Phó Bộ trưởng Nông nghiệp Andrew Hoggard cho biết.
"Xuất khẩu gia súc sống sẽ chỉ bắt đầu khi các tiêu chuẩn an toàn được tăng cường được xây dựng và có hiệu lực để bảo vệ danh tiếng của New Zealand là một nước xuất khẩu có trách nhiệm", ông cho biết.
Tham vấn công khai về cải cách được đề xuất sẽ bắt đầu trước tháng 9 và sẽ tìm kiếm phản hồi về những thay đổi cần thiết đối với Đạo luật An toàn Động vật, cách bảo vệ tốt hơn, an toàn của động vật trong suốt quá trình xuất khẩu, cũng như cách bảo vệ danh tiếng của New Zealand.
"Tôi hiểu rằng an toàn động vật là ưu tiên hàng đầu của tất cả người dân New Zealand", Hoggard cho biết.
"Yếu tố quan trọng mang tính sống còn, cũng như thực tế không thể thương lượng, đó là các tiêu chuẩn mới phải được áp dụng trước khi hoạt động thương mại được khởi động lại. Việc lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau sẽ giúp chúng tôi hiểu cách tốt nhất để đạt được điều này. "
“Tôi khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến để đảm bảo mọi quan điểm đều được xem xét trong quá trình xây dựng chính sách.”
Theo 1news.co.nz – Duong Nguyen