Một nhóm ngành bán lẻ cho biết nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng phải đóng cửa vì các khách hàng lo lắng về vấn đề chi tiêu.
Khảo sát Niềm tin tiêu dùng (Consumer confidence) của Westpac McDermott Miller cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã giảm 11 điểm vào tháng 6 xuống còn 82.2, xóa sạch sáu tháng tăng trưởng trước đó.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng được định nghĩa là mức độ lạc quan về tình trạng của nền kinh tế mà người tiêu dùng thể hiện thông qua các hoạt động tiết kiệm và chi tiêu của họ. Mức độ tin tưởng dưới 100 báo hiệu các hộ gia đình đang bi quan về nền kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, một chuyên gia cho biết lĩnh vực bán lẻ có lẽ đang đối diện tình hình tồi tệ khi người tiêu dùng chỉ chi tiêu cho những thứ họ thực sự cần thay vì những thứ họ muốn.
Các biện pháp đánh giá lòng tin và chi tiêu của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, với các nhà bán lẻ báo cáo doanh số giảm, biên lợi nhuận hẹp và lợi nhuận giảm.
Tổng giám đốc điều hành của First Retail Group, ông Chris Wilkinson cho biết sự suy giảm trong tâm lý người tiêu dùng sẽ không gây ngạc nhiên cho các nhà bán lẻ, không chỉ ở New Zealand mà trên toàn thế giới.
"Khi nói chuyện với các nhà bán lẻ nhiều thế hệ và các nhà bán lẻ điều hành các doanh nghiệp rất lớn ở trong nước và cả ở nước ngoài, chúng tôi đã có trao đổi rằng đây chắc chắn là thời điểm đầy thách thức nhất mà chúng tôi từng thấy trong ký ức hiện đại".
Vào thứ Ba, nhà bán lẻ niêm yết lớn nhất của đất nước, Warehouse Group, đã công bố việc tái cấu trúc và thay đổi quản lý để tập trung vào các thương hiệu chính của mình.
Wilkinson cho biết nỗ lực của The Warehouse nhằm tinh giản bộ máy quản lý cấp cao và cung cấp nhiều mặt hàng cơ bản hơn cho người tiêu dùng là cách đúng đắn.
Giám đốc điều hành của Retail NZ, bà Carolyn Young, nói với phóng viên Morning Report rằng người tiêu dùng và hộ gia đình không chắc chắn về thị trường việc làm, nhà ở và khả năng tài trợ cho các khoản chi phí mới của họ.
"Khi bạn nhìn vào biểu đồ, chúng có lẽ tệ hơn một chút so với năm 87 khi chúng ta mất nhiều thời gian để phục hồi sau cuộc khủng hoảng vào thời điểm đó".
Young cho biết bà đã nghe nói về một số thành viên của Retail NZ phải đóng cửa doanh nghiệp của họ.
Khi giá cả tăng, bao gồm cả việc tăng phí bảo hiểm và cước phí vận chuyển, các nhà bán lẻ không thể gánh thêm chi phí vì biên lợi nhuận thực sự nhỏ, bà cho biết.
"Bài toán là về việc sống sót cho đến năm 2025, đó là cách các doanh nghiệp phải vượt qua sáu đến tám tháng tới và sau đó hy vọng chúng ta thấy sự niềm tin tiêu dùng thay đổi vì trong khi nền kinh tế sẽ mất thời gian để thay đổi... chúng ta thực sự cần niềm tin của người tiêu dùng và sự tự tin của doanh nghiệp để thay đổi..."
Young cho biết các doanh nghiệp nên nhớ rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng là chìa khóa và xem xét cách họ có thể linh hoạt ngay bây giờ trong những hạn chế hiện tại.
Và tiền mặt là vua.
"Nếu doanh nghiệp có sở hữu tiền mặt thì doanh nghiệp đó có thể vượt qua."
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại hai thành phố lớn nhất của đất nước cho biết người dân không chi tiêu và các doanh nghiệp địa phương đang loay hoay.
Giám đốc điều hành của Business Central, Simon Arcus cho biết đây là thời điểm đáng lo ngại.
"Hiện tại đã có 46 mặt tiền cửa hàng trống vào cuối năm ngoái trên con đường Golden Mile, và thực sự, các nhà bán lẻ đang thấy rất khó khăn".
"Và tất nhiên đó là một thành phố phụ thuộc vào mối quan hệ của chính phủ với rất nhiều doanh nghiệp để đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh diễn ra lành mạnh, vì vậy đây là thời điểm đáng lo ngại."
Đã có một sự gia tăng lạc quan sau cuộc bầu cử "vì đây là một chính phủ ủng hộ doanh nghiệp hơn".
"Nhưng tất nhiên sau đó thực tế như mọi người nói... là nền kinh tế yếu và cần phải tăng cường và việc cắt giảm tất nhiên chỉ là một cảm giác bi quan."
Việc cắt giảm khu vực công là một yếu tố góp phần mặc dù nó có nghĩa là nhiều khả năng tiếp cận hơn trong khu vực tư nhân và mọi người giảm kỳ vọng về mức lương của họ.
Ông cho đây sẽ là một mùa đông khó khăn.
Giám đốc điều hành của Business Canterbury, Leanne Watson cho biết có áp lực tại Canterbury.
Watson cho biết áp lực lạm phát và lãi suất tăng là những vấn đề hàng đầu đối với các doanh nghiệp, tiếp theo là sự sụt giảm về niềm tin tiêu dùng.
"Các doanh nghiệp hiện đang khá khó khăn."
Áp lực chi phí bắt đầu ảnh hưởng, bà cho biết.
"Chúng tôi đang nói về 40% thành viên mà chúng tôi khảo sát cho biết rằng hiện tại họ đang chịu những tác động lớn trong toàn bộ doanh nghiệp của mình và tất nhiên là một số chi phí đó vẫn còn tồn tại từ thời Covid. Chúng tôi đang đối diện mức tăng trưởng tiền lương cao hơn, những chi phí đó hiện đã được đưa vào hoạt động kinh doanh nên chúng tôi nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng đang giảm bớt, những chi phí đã cao hơn nhiều trong vài năm qua và những thứ đó cùng với lãi suất thực sự cao đang có tác động đáng kể".
Tuy nhiên, bà cho biết không phải tất cả đều là bi quan và u ám.
Mọi người đều theo dõi chặt chẽ xem liệu lãi suất có giảm xuống sớm hơn một chút so với dự đoán hay không và 72% doanh nghiệp được khảo sát khá tự tin rằng họ có thể quản lý được sự gián đoạn này.
Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen