Người lao động cho biết khủng hoảng chi phí sinh hoạt là nguyên nhân khiến nhiều người trong số họ mong muốn được làm việc tại nhà, trong khi các nhà bán lẻ cảnh báo không có lượng người qua lại tăng lên thì hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở thành phố có thể lao dốc.
Một nhân viên tên Ginette Daniels, người làm việc ở dịch vụ chăm sóc khách hàng, cho biết chi phí xăng dầu và chỗ đậu xe trên đường đi làm giữa ngôi nhà cô ấy tại Māngere và văn phòng ở Takapuna đã vượt quá khả năng chi trả của cô.
Chủ doanh nghiệp muốn cô ấy đi làm ở văn phòng ba ngày một tuần, nhưng thay vào đó, Daniels đã thực hiện hành động đình công bằng cách tiếp tục làm việc tại nhà- như cô đã từng làm lúc đại dịch.
Daniels nói: “Đến văn phòng làm việc khiến tôi có nhiều áp lực hơn về tài chính, trong khi tôi có thể làm việc hiệu quả tại nhà”.
Bốn năm trôi qua kể từ đỉnh điểm của đại dịch và nhiều người lao động tiếp tục làm việc tại nhà vài ngày một tuần, nhưng Phòng Thương mại Wellington cho biết tại các thành phố cần nhiều người chi tiêu hơn để các doanh nghiệp có thể bù đắp chi phí đối với giá thuê và lãi suất tăng cao.
Giám đốc điều hành Simon Arcus cho biết: “Rõ ràng là chúng tôi cần mọi người quay trở lại đường phố. Chúng tôi cần những người thưởng thức đồ ăn, lưu trú ở khách sạn và đến mua hàng ở các cửa hàng bán lẻ. Nếu không có người tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn”.
Dữ liệu gần đây từ công ty quản lý đầu tư Colliers đã phân tích tình trạng đối với các nhà bán lẻ Wellington là đặc biệt thách thức, với tỷ lệ các cửa hàng bỏ trống ở mức 7,5% vào tháng 12 năm ngoái, tăng so với mức 5,75% vào tháng 6.
Giám đốc điều hành hiệp hội bán lẻ New Zealand, bà Carolyn Young cho biết điều kiện hiện tại rất khó khăn đối với các thành viên.
Young cho biết: “Nền kinh tế đang trải qua thời kỳ suy thoái. Người tiêu dùng không còn tiền trong ví, cả chi tiêu có mục đích và tùy ý đều giảm”.
Với gần 3000 việc làm trong lĩnh vực công được đề xuất cắt giảm hoặc biến mất, người ta lo ngại lượng người di chuyển ở Trung tâm Wellington nói riêng sẽ giảm hơn nữa.
Arcus nói: “Thật không may, các loại hình kinh doanh lúc trước bị ảnh hưởng bởi Covid thì hiện nay cũng bị ảnh hưởng như vậy. Đây là dấu hiệu cảnh báo sớm với các doanh nghiệp. Bởi vậy mọi người hãy ra ngoài nhiều hơn, mua sắm quần áo hay chọn một thứ gì đó ở các cửa hàng địa phương vì nó thực sự giúp ích cho cho các doanh nghiệp”.
Nhưng Unite Union cho biết những người sử dụng lao động có nhân viên có thể làm việc tại nhà nên tiếp tục cho phép điều đó xảy ra trong thời điểm đất nước đang suy thoái.
Người tổ chức John Crocker cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến một khoảng thời gian khó khăn khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng”.
" Thế nên việc yêu cầu người lao động đến văn phòng làm việc, đồng nghĩa với việc họ phải lên xe, trả tiền bãi đậu, xăng dầu và các chi phí khác, điều đó làm tăng thêm những căng thẳng về chi phí sinh hoạt. Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy có rất nhiều sự phản đối."
Theo 1news.co.nz – Duong Nguyen