Một phụ nữ trẻ bị phản ứng cực kỳ hiếm gặp do thuốc, có lúc đã cận kề cái chết đã chia sẻ với phóng viên rằng cô đã thấy thật kinh hoàng khi không biết liệu mình có thể bình phục hoàn toàn hay không.
Cô Charlotte Gilmour, 23 tuổi, đã phải nằm viện một tháng tại Bệnh viện Palmerston North để điều trị hội chứng Stevens-Johnson, một căn bệnh hiếm gặp, thống kê cho thấy nó ảnh hưởng đến ít hơn một phần triệu người trên toàn cầu.
Cô gái đã chiến đấu với bệnh nhiễm trùng ngực trong một tháng cho đến một buổi sáng khi thức dậy cô thấy phát ban kỳ lạ và những gì cô nghĩ là viêm kết mạc mắt.
"Tôi nhìn vào gương và bật khóc. Tôi nghĩ trong tiềm thức tôi đã cảm nhận đó là một điều gì đó khá nghiêm trọng."
Bác sĩ gia đình ngay lập tức chẩn đoán cô mắc hội chứng Stevens-Johnson - một phản ứng dị ứng cực kỳ hiếm gặp với thuốc.
Thủ phạm trong trường hợp này là lamotrigine, loại thuốc mà Charlotte đã dùng để điều trị trầm cảm.
Khi đến Bệnh viện Palmerston North, một số điều dưỡng người Philippines đã nhận ra hội chứng Stevens-Johnson trong vài ca bệnh họ chứng kiến tại quê nhà, nhưng không ai có nhiều thông tin về cách điều trị vì nó quá hiếm.
"Điều đó rất đáng sợ, tôi đoán thế, khi nghe thấy hội chứng này... 'Hiển nhiên, không ai thực sự biết nhiều về bệnh này'."
Da của Charlotte nổi lên những mụn nước lớn và đỏ như bị nấu chín. Cô ấy được đặt sonde dạ dày để bơm thức ăn vì miệng và thực quản đã bị bỏng.
“Điều đáng sợ nhất là nó thiêu đốt tôi từ trong ra ngoài.”
"Thế nên, tất cả các vết bỏng bên ngoài là do bên trong tôi bị bỏng quá mức nên nó bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài da."
Lúc đầu, các loại thuốc chống viêm Steroid không giúp cải thiện tình trạng.
"Vì vậy, bác sĩ đã ngừng chúng, họ nói 'Không có hiệu quả' và sau đó mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn cho đến khi có một đêm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ đến mức tôi gần như mất đi thị lực.
"Tôi đã nói, 'Các bác sĩ làm ơn thử lại một số steroid lần nữa được không?', và may sao cuối cùng thì nó cũng có hiệu quả đáp ứng điều trị."
Sau 30 ngày nằm viện, cô được xuất viện vào tháng 11 và đã hồi phục tốt, mặc dù có một số khó khăn.
"Tôi vẫn bị phồng rộp ở mắt và phát ban bùng phát, luôn xuất hiện ở vị trí đã từng bị bỏng nặng nhất."
Trong 5 năm tính đến cuối tháng 12, Medsafe đã nhận được 710 báo cáo về phản ứng bất lợi của thuốc Lamotrigin, trong đó có 6 trường hợp tử vong.
Cơ quan an toàn dược phẩm của Chính phủ cho biết khoảng 1/1000 người trưởng thành, được điều trị bằng lamotrigin, sẽ phát ban nghiêm trọng và có thể - trong những trường hợp rất hiếm - tiến triển thành hội chứng Stevens-Johnson.
Những nguy cơ này cao hơn ở trẻ em dùng Lamotrigine để điều trị bệnh động kinh.
Giám đốc thường vụ của Medsafe, Derek Fitzgerald, cho biết báo cáo về các phản ứng bất lợi “phần lớn tỷ lệ thuận” với mức độ sử dụng ở New Zealand.
Hơn 17.000 người đã được kê đơn thuốc này vào năm ngoái vì nhiều tình trạng khác nhau.
Ông cho biết: “Các loại thuốc với công dụng giúp những người mắc bệnh đe dọa tính mạng có thể sống gần như cuộc sống bình thường, cũng có thể gây ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng ở một số người”.
"Các phản ứng trên da hiếm gặp, mặc dù có khả năng đe dọa tính mạng, như Hội chứng Stevens-Johnson, liên quan đến Lamotrigine, có liên quan đến biệt dược thuốc hơn là nhãn hiệu.
"Bất cứ ai bắt đầu điều trị bằng Lamotrigine hoặc tăng liều thuốc và bị phát ban nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức."
Hiện nay, có đến hơn 200 loại thuốc được cho là có nguy cơ gây ra Hội chứng Stevens-Johnson.
Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen