Bài viết được xuất bản lần đầu bởi The Conversation, của tác giả Archana Koirala, Brendan McMullan, Christopher Blyth, Emma Best và Fiona Russell*.
Việc công bố các chương trình tiêm chủng virus hợp bào hô hấp (RSV) mới cho trẻ em ở một số bang của Úc là một tin đáng mừng khi vào mùa cao điểm của dịch bệnh.
Tháng trước, Tây Úc là tiểu bang đầu tiên công bố chương trình tiêm chủng ngừa virus RSV do chính phủ tiểu bang tài trợ. Tất cả trẻ sơ sinh dưới 8 tháng tuổi và từ 8 đến 19 tháng tuổi có nguy cơ cao mắc RSV đều đủ điều kiện được tiêm ngừa.
Queensland và New South Wales cũng triển khai chương trình có tiêu chí điều kiện tương tự.
Đây là tin tốt nhưng chương trình này chỉ áp dụng cho trẻ sinh ra ở một số bang của Úc, trong khi trẻ sơ sinh ở các bang và vùng lãnh thổ khác, như New Zealand thì không. Và RSV không phải là vaccine duy nhất.
Chủ động phòng ngừa virus RSV cho trẻ sơ sinh
RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới (viêm phế quản và viêm phổi) ở trẻ sơ sinh. Các ước tính cho thấy 2-3% trẻ sơ sinh phải nhập viện vì RSV mỗi năm, con số này cao hơn đáng kể so với các bệnh nhiễm trùng khác, bao gồm cả bệnh cúm.
Hầu hết trẻ nhập viện vì RSV đều là những trẻ trước đó vốn khỏe mạnh, mặc dù trẻ sơ sinh có kèm theo bệnh lý nền hoặc sinh non có nguy cơ cao hơn. Việc nhập viện cũng có nhiều khả năng xảy ra đối với trẻ em bản địa, trẻ em đảo Torres Strait, Maori hoặc gốc Thái Bình Dương.
Các chương trình ở Tây Úc, Queensland và NSW sẽ sử dụng Nirsevimab, một loại kháng thể đơn dòng. Phương pháp này cung cấp khả năng miễn dịch thụ động, thay vì kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể như vaccine.
Trước năm 2024, sản phẩm duy nhất có sẵn để phòng ngừa RSV ở trẻ sơ sinh là Palivizumab - một kháng thể đơn dòng khác - được dùng cho một nhóm rất nhỏ trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc RSV nghiêm trọng cao nhất.
Nhưng vì Palivizumab cần được tiêm tại bệnh viện hàng tháng trong mùa RSV cao điểm nên những cân nhắc thực tế và chi phí đã hạn chế việc sử dụng nó ở Úc và New Zealand. Hiện tại nó không được tài trợ ở New Zealand.
Nirsevimab thường được tiêm vào đầu mùa RSV và bảo vệ trẻ sơ sinh ít nhất 5 tháng. Dữ liệu thống kê ở Châu Âu và Hoa Kỳ cho thấy Nirsevimab giúp giảm tới 90% tỷ lệ nhập viện do RSV ở trẻ sơ sinh.
Theo hiểu biết của chúng tôi, 10 quốc gia (Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Luxembourg, Bỉ, Thụy Sĩ, Ireland, Hà Lan và Chile) đã triển khai các chương trình tiêm chủng quốc gia để bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại RSV bằng Nirsevimab.
Úc và New Zealand đang tụt lại phía sau, có thể do vấn đề về nguồn cung, nhưng điều quan trọng là tất cả những trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm cao trong khu vực đều được tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng, chứ không phải trẻ sơ sinh ở một số khu vực được tiêm mà nơi khác thì không.
Hệ thống hoạt động như thế nào?
Các chương trình tiêm chủng quốc gia ở Úc và New Zealand cung cấp các loại vaccine chống lại nhiều loại bệnh như uốn ván, sởi và viêm gan B.
Một số loại vaccine được tài trợ cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng cụ thể bao gồm người bản địa, người dân đảo Torres Strait, người gốc Māori hoặc Thái Bình Dương và những người có bệnh lý nền.
Bên cạnh đó, một số loại vaccine khác cũng được khuyến nghị sử dụng và có sẵn, nhưng không được chính phủ tài trợ.
Ở Úc, vaccine được tài trợ trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, trước tiên phải được Cục Quản lý Dược đăng ký là an toàn và hiệu quả. Sau đó, Ủy ban Đánh giá Lợi ích Dược phẩm xác định là có giá trị (có lợi về mặt lâm sàng và hiệu quả về mặt chi phí).
Tại New Zealand, vaccine này phải được Medsafe đăng ký và được Pharmac đánh giá là phù hợp.
Thách thức với Nirsevimab là về mặt cơ chế nó không phải là vaccine. Pháp luật hiện hành chưa bổ sung các quy trình đánh giá với các kháng thể đơn dòng, làm phức tạp việc đánh giá và đưa Nirsevimab vào các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Các ví dụ khác về sự bất bình đẳng vaccine
Viêm màng não mô cầu B là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể diễn tiến nặng và đôi khi tử vong. Vaccine bao gồm các chủng viêm màng não mô cầu khuẩn khác không bao gồm viêm màng não mô cầu B (nguyên nhân chính gây viêm màng não ở trẻ nhỏ), do đó cần có Vaccine riêng.
Mặc dù viêm màng não mô cầu nặng không phổ biến nhưng viêm màng não mô cầu B là chủng có khả năng gây bệnh nghiêm trọng nhất ở Úc và New Zealand.
Thuốc chủng ngừa viêm màng não loại B được cung cấp miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Nam Úc, Queensland và New Zealand. Nhưng tại các khu vực khác của Úc, chương trình này chỉ miễn phí cho trẻ em bản địa và người dân đảo Torres Strait cũng như những người có các yếu tố nguy cơ cao (theo Chương trình Tiêm chủng Quốc gia).
Nó có thể được bán theo nhu cầu nhưng có giá hơn 100 đô la Úc mỗi liều. Điều này khác với Nirsevimab, loại thuốc không có sẵn trên thị trường tư nhân.
Theo Chương trình Tiêm chủng Quốc gia của Úc, vaccine cúm được cung cấp miễn phí cho các nhóm có nguy cơ cao hơn, bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi và phụ nữ mang thai.
Năm nay, Queensland và Tây Úc đang tài trợ vaccine cúm miễn phí cho tất cả người dân, trong khi những cư dân khỏe mạnh từ 5 đến 65 tuổi ở các khu vực khác vẫn phải trả tiền.
Vào năm ngoái, thông báo về bệnh cúm ở trẻ em từ 5-14 tuổi có tỷ lệ cao nhất ở tất cả các nhóm tuổi. Do đó, các chương trình Tiêm chủng Quốc gia đã mở rộng phạm vi đối tượng trong việc tiếp cận tiêm chủng.
Cách tiếp cận mang tính quốc gia
Việc tài trợ vaccine chỉ dành cho nhóm người có các yếu tố nguy cơ cao có thể giảm bớt chi phí ngân sách, nhưng lại giảm bao phủ vaccine đối với người dân.
Ngoài Úc và New Zealand, sự bất bình đẳng về vaccine toàn cầu là một vấn đề lớn. Chi phí vaccine hạn chế đáng kể đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Bệnh tật không phân biệt ranh giới tiểu bang hoặc quốc gia. Chúng ta phải đảm bảo nơi sinh sống một người không quyết định liệu họ có thể được bảo vệ hay không.
Theo rnz.co.nz - Pepper