Một nhà di truyền học người New Zealand cho biết nghiên cứu của ông về loài cừu có thể nắm giữ chìa khóa chữa khỏi bệnh Alzheimer.
Trung tâm Nghiên cứu Não bộ của Đại học Auckland đã nhận được hơn 300.000 đô từ Quỹ Chữa bệnh Alzheimer có trụ sở tại Hoa Kỳ vào đầu năm nay.
Giáo sư di truyền học Russell Snell cho biết nguồn tài trợ này sẽ giúp mở rộng nghiên cứu của ông, tập trung vào sự phát triển bệnh Alzheimer khởi phát sớm ở cừu biến đổi gen.
Snell cho biết mục tiêu là cải thiện quá trình sàng lọc trước đối với bệnh Alzheimer.
"Cho đến nay, giá trị lớn nhất từ những loài động vật này là thử nghiệm tiền lâm sàng các phương pháp điều trị tiềm năng, loại bỏ những phương pháp không hiệu quả, [và] sàng lọc danh sách những phương pháp có tác dụng, sau đó tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người."
Snell cho biết, cừu được coi là mô hình tuyệt vời cho nghiên cứu bệnh Alzheimer do tuổi thọ dài hơn, cấu trúc não phức tạp và sự giống nhau về mặt di truyền với con người.
Ông nói, nhiều loại thuốc hoạt động tốt ở loài gặm nhấm (như chuột) đã thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng ở người và những thử nghiệm đó có thể tiêu tốn tới hàng tỷ đô la để thực hiện.
Snell cho biết công việc của ông sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho nghiên cứu bệnh Alzheimer trên toàn cầu.
"Công việc này thực sự độc đáo. Nhóm của chúng tôi có tầm nhìn về chứng mất trí nhớ và có thể khắc phục được nó."
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Não bộ và cộng tác viên nghiên cứu Sir Richard Faull cho biết Quỹ Chữa bệnh Alzheimer đã nhận ra tầm quan trọng trong công việc của họ.
"Công việc nghiên cứu của chúng tôi không chỉ có giá trị khoa học tiên phong mà còn có giá trị nhân đạo. Khoản tài trợ này ghi nhận điều đó theo cách hoàn hảo nhất."
Theo rnz.co.nz – Noo Thuyen