Ăn thức ăn dư có thể là một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền, đa dạng hóa các món ăn và giảm lãng phí thực phẩm.
Ăn thức ăn thừa có thể gặp rủi ro vì chúng đã tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường. Nếu không bảo quản và hâm nóng đúng cách, bạn có thể có nguy cơ ngộ độc thực phẩm và đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải tránh ăn thức ăn còn thừa. Nếu thực hiện đúng các biện pháp an toàn thực phẩm, bạn có thể tránh được tác hại này.
Bảo quản đồ ăn thừa bằng cách làm lạnh hoặc đông lạnh nhanh như thế nào?
Vi khuẩn tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, kể cả trong nhà bếp, thậm chí bản thân thực phẩm cũng chứa vi khuẩn. Vi khuẩn gây hư hỏng thực phẩm và phát triển nhanh chóng khi có đủ điều kiện thuận lợi như: dinh dưỡng, độ ẩm và nhiệt độ. Chúng sẽ nhân lên số lượng chỉ trong thời gian ngắn.
Điều quan trọng là mọi thức ăn còn thừa phải được cho vào tủ lạnh hoặc tủ đông càng nhanh càng tốt và trong vòng tối đa hai giờ. Lời khuyên này dựa trên thời gian vi khuẩn phát triển nhanh trong thực phẩm ở nhiệt độ phòng, và có nghĩa là thức ăn thừa sẽ kém an toàn hơn nếu để lâu ở nhiệt độ trên 5°C. Bạn cần đảm bảo chúng nên được đậy kín. Màng bọc và nắp đậy kín giúp ngăn không khí lọt vào thực phẩm. Điều này rất quan trọng vì hầu hết các vi khuẩn đều cần oxy để phát triển.
Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh có thể ăn được trong bao lâu?
Tủ lạnh của bạn nên được giữ ở nhiệt độ từ 0 đến 5°C, vì điều này ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.
Thức ăn thừa phải được ăn trong vòng hai ngày, nếu không sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn thêm thời gian phát triển. Thật vậy, các vi khuẩn như Listeria, có thể gây ra các triệu chứng giống cúm, chúng có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên - đó là lý do tại sao đây là giới hạn thời gian được khuyến nghị để bảo quản thức ăn thừa.
Nếu bạn nghĩ mình không ăn hết số thức ăn này trong khoảng thời gian đó, hãy cân nhắc việc bỏ chúng vào tủ đông. Thức ăn thừa có thể bảo quản được tối đa 3 tháng nếu đông lạnh ở nhiệt độ -18°C.
Cách an toàn nhất để hâm nóng thức ăn?
Khi hâm nóng, phải đảm bảo chúng được hâm nóng hoàn toàn. Nếu không thì đừng ăn nó.
Thức ăn phải được hâm lại ở nhiệt độ ít nhất là 165°F (74°C). Đối với nước sốt, món hầm, súp và nước thịt, tốt nhất bạn nên đun sôi hoàn toàn, khuấy ít nhất ba phút. Phương pháp này sẽ tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn và bất hoạt mọi độc tố.
Nếu hâm nóng thức ăn trong lò nướng, hãy điều chỉnh nhiệt độ lò ở mức ít nhất là 325°F (163°C hoặc vạch mức độ 3) và nướng đủ lâu để làm nóng hoàn toàn thức ăn đến ít nhất 74°C. Nếu hâm nóng bằng lò vi sóng, bạn cũng nên đảm bảo nhiệt độ bên trong đạt 74°C trước khi ăn.
Hâm nóng thực phẩm bằng nồi nấu chậm không phải là một ý tưởng hay vì nếu thực phẩm ở nhiệt độ dưới 165°F trong vài giờ, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển - làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Có thể hâm thức ăn nhiều lần không?
Không nên hâm nóng đồ ăn nhiều lần. Mỗi khi thực phẩm ấm lên và nguội đi, nó sẽ cung cấp nhiệt độ và khoảng thời gian thích hợp để vi khuẩn bắt đầu phát triển trở lại.
Điều này sẽ khiến vi khuẩn trở nên kháng nhiệt. Nếu bạn không nghĩ mình sẽ ăn hết thức ăn này trong vòng hai ngày, hãy cân nhắc bỏ chúng vào tủ đông.
Có thể hâm nóng đồ ăn mua về không?
Việc hâm nóng lại đồ ăn mua về một cách an toàn hay không tùy thuộc vào cách bạn bảo quản đồ ăn đó.
Nếu nó được bảo quản ấm ở phía sau ô tô hoặc để ở nhiệt độ phòng trong hơn hai giờ thì bữa ăn đó có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt nếu bạn đã chạm vào hoặc ăn một phần thức ăn (điều này khiến đồ ăn tiếp xúc với vi khuẩn).
Có một số thực phẩm mua về mà bạn nên cẩn thận khi để dành. Cơm có lẽ là món nguy hiểm nhất để tiết kiệm. Cơm chưa nấu chín có thể chứa bào tử Bacillus cereus, một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.
Trong khi vi khuẩn bị tiêu diệt lúc cơm được nấu chín thì bào tử của nó vẫn có thể sống sót ở nhiệt độ sôi. Nếu cơm nấu chín không được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng hai đến ba giờ sau khi nấu, các bào tử có thể phát triển thành vi khuẩn, từ đó giải phóng độc tố, gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như tiêu chảy, đau bụng và nôn mửa; càng để lâu ở nhiệt độ phòng thì lượng vi khuẩn Bacillus cereus sẽ nhân lên nhanh chóng và món ăn sẽ không còn an toàn.
Nếu muốn bảo quản cơm đã nấu chín, cơm phải được đậy lại sau khi nấu chín và để nguội nhanh (lý tưởng nhất là trong vòng 2 giờ), sau đó bảo quản và để trong tủ lạnh không quá 24 giờ. Khi muốn ăn lại cơm nguội, bạn cần phải hâm nóng thật kỹ và không bao giờ được hâm nóng nhiều lần.
Thức ăn thừa có thể an toàn để ăn miễn là bạn có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Nhưng nếu không ăn hết đồ ăn trong vòng hai ngày, thì việc bảo quản chúng trong tủ đông sẽ giúp bạn linh hoạt hơn so với việc bảo quản chúng trong tủ lạnh.
Được xuất bản lần đầu bởi The Conversation - Primrose Freestone - giảng viên cao cấp về Vi sinh lâm sàng tại Đại học Leicester.
Theo rnz.co.nz - Pepper