Cơ sở đào tạo tư nhân của công ty TNHH Workforce Development đã nợ hơn 1 triệu đô tiền lương của nhân viên sau nhiều lần vi phạm các điều kiện tài trợ.
Nhiều nhân viên đã nộp đơn khiếu nại khi bị sa thải một cách vô lý, trong khi đó một số học viên bị bỏ lại trong tình trạng lấp lửng với các khóa học chưa hoàn thành.
Bên ngoài, tổ chức này có vẻ đã ngừng hoạt động nhưng trên trang web của trường vẫn nhận đăng ký online của học viên.
Thay vì chuẩn bị bài vở cho một ngày giảng dạy, thì các thầy cô ở đây đang thảo luận về những hành động pháp lý.
Giáo viên Stewart Whyte nói: " Tôi mong muốn rằng không một ai phải rơi vào tình huống mà chúng tôi phải trải qua."
Hai mươi ba nhân viên của trường đang bị nợ ít nhất tám tuần lương, chưa kể các quyền lợi khác.
Laura Pelly, giám đốc công ty luật Thrive Lawyers, cho biết: “Có cả một quy trình mà người sử dụng lao động cần phải tuân theo mà các nhân viên của trường cáo buộc đã không được tuân thủ ở đây”.
Tình trạng này xuất hiện sau khi Công ty TNHH Phát triển Lực lượng Lao động (WDL) đột ngột đóng cửa, trường tư nhân này đã triển khai dạy nhiều khóa học, từ nấu ăn đến công tác thanh thiếu niên.
Thầy Whyte nói thêm: "Nhân viên chúng tôi coi nhau như một gia đình và chúng tôi đã giúp đỡ lẫn nhau nhiều nhất có thể ... Chúng tôi cũng đã đến Salvation Army (Quân đoàn cứu tế) ở Hastings để xem liệu chúng tôi có thể nhận được gói thực phẩm cho nhân viên hay không. Chúng tôi đã phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các nhân viên đều được hỗ trợ."
Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào tháng 12 khi việc trả lương bị trì hoãn và sau đó không được trả nữa.
Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục giảng dạy.
“Chúng tôi đã bảo vệ học viên của mình khỏi bất kỳ hậu quả nào từ câu chuyện này… đội ngũ nhân viên ở đây thật tuyệt vời.”
Phóng viên của 1News đã phát hiện ra những khó khăn tài chính mà công ty tại vịnh Hawke phải đối mặt lớn đến mức nào.
Các vấn đề dường như khởi điểm vào năm 2021 khi Ủy ban Giáo dục Đại học (TEC) thực hiện một cuộc kiểm toán định kỳ.
Sau đó họ đã mở rộng thành một cuộc điều tra, trong đó phát hiện ra "một số trường hợp không tuân thủ các quy định tài trợ". Điều này bao gồm việc báo cáo không chính xác về số lượt đăng ký, yêu cầu tài trợ cho những lượt đăng ký không hợp lệ và việc trao bằng cấp không hợp lệ.
Ba phần tư hồ sơ được kiểm tra phát hiện ngày bắt đầu học của học viên bị sai, thường chênh lệch vài tháng.
TEC đã ngừng cấp kinh phí cho WDL vào tháng 6 năm ngoái. Nhưng các cuộc điều tra sau đó cho thấy số tiền đáng kể của nhân viên đã bị thanh toán sai. Hơn 1 triệu đô vẫn còn nợ.
Các nhân viên đang giải quyết các vấn đề được nêu ra trong cuộc kiểm toán nhưng không biết mức độ lỗ hổng tài chính của công ty cho đến khi phóng viên 1News nói với họ.
“Thật ngạc nhiên khi biết công ty nợ số tiền lớn như vậy”, thầy Whyte nói.
Các văn phòng làm việc của công ty ở Napier và Auckland vắng tanh, tuy nhiên trang web vẫn hoạt động và khuyến khích học viên đăng ký.
Cơ quan cấp bằng đã hủy đăng ký của WDL vào giữa tháng 3. Việc giảng dạy bị dừng lại chín ngày sau đó. Khi đó trường có khoảng 40 học viên, hiện nay một nửa học viên hiện chưa hoàn thành các khóa học.
Khiếu nại đã được đệ trình lên Cơ quan Quan hệ Việc làm (Employment Relations Authority- ERA) về tiền lương và khiếu nại cá nhân về việc bị sa thải một cách vô lý.
Pelly cho biết đây là vấn đề về "sự công bằng và tôn trọng".
"Các nhân viên rõ ràng muốn được trả lương cho công việc họ đã thực hiện và họ cũng muốn được giải thích về vấn đề tái cơ cấu."
Nhân viên hy vọng việc lên tiếng có thể có nghĩa là họ được trả những gì công ty đang nợ họ.
Khi được 1News liên hệ, chủ sở hữu Aaron Smith cho biết nhân viên sẽ được trả lương trong vài tuần tới.
Theo 1news.co.nz – Duong Nguyen