Theo một cuộc khảo sát từ Đại học Otago, Wellington và Tổ chức "bệnh đau nửa đầu" ở Aotearoa (Migraine Foundation Aotearoa New Zealand), hơn 1/4 số người mắc bệnh đau nửa đầu cho biết cứ cách mỗi 3 tháng, bệnh này khiến họ phải nghỉ học hoặc nghỉ làm hơn 5 ngày.
Cứ bảy người trên toàn thế giới thì có một người bị chứng đau nửa đầu, bệnh lý thần kinh này xảy ra ở nữ nhiều hơn nam giới từ hai đến ba lần. Hơn 640.000 người Kiwi được cho là đang sống chung với tình trạng này.
Theo tổ chức nghiên cứu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Mayo Clinic, các triệu chứng bao gồm đau đầu có thể gây đau nhói dữ dội hoặc cảm giác mạch đập, thường ở một bên đầu. Nó thường đi kèm với buồn nôn, nôn mửa kèm theo cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Các cơn đau nửa đầu có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày.
Nghiên cứu về chứng đau nửa đầu được phối hợp bởi nhiều đơn vị này là nghiên cứu đầu tiên khảo sát những người mắc chứng đau nửa đầu ở New Zealand - có sự tham gia của 530 người trả lời trong khoảng thời gian ba tháng.
Các phát hiện được công bố hôm nay trên Tạp chí Y khoa New Zealand cho thấy gần một phần tư số người được hỏi (23%) bị chứng đau nửa đầu mãn tính, bị đau đầu từ 15 ngày trở lên trong một tháng – tương ứng với tình trạng khuyết tật và suy giảm cao nhất. Trong số đó, 20% bị đau đầu liên tục hoặc gần như liên tục, trong khi 22% còn lại bị đau đầu từ 24 ngày trở lên mỗi tháng.
Một nửa số người được hỏi cho biết họ không thể làm công việc nhà trong thời gian bị đau, trong khi gần 1/3 cho biết họ đã bỏ lỡ các hoạt động gia đình, xã hội hoặc giải trí do tình trạng này.
Gần một nửa trong số họ nằm trong tình trạng khuyết tật nghiêm trọng (căn cứ theo chỉ số đánh giá).
'Cảm giác như bị đánh cắp nửa cuộc đời'
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Fiona Imlach, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Y tế Công cộng của trường đại học, cho biết tình trạng này gây ra mức độ khuyết tật đáng kể ở người dân New Zealand với những tác động sâu rộng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng làm việc và giao tiếp xã hội của họ cũng như trong cuộc sống gia đình.
Imlach, người đồng sáng lập Migraine Foundation, cho biết những người tham gia khảo sát đang phải sống với mức độ đau đớn đáng kể có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày.
Một người bình luận: "Mọi người không hiểu được nỗi đau tột cùng và nghĩ rằng 'chỉ là đau đầu thôi'. Tôi đang suy nghĩ liệu mình có thể tự chặt đầu mình để nó dừng lại hay không."
Các cơn đau nửa đầu đôi khi đi kèm với các triệu chứng suy nhược và căng thẳng, chẳng hạn như mất khả năng nói mạch lạc, tê liệt một bên cơ thể, buồn nôn và nôn, rối loạn thị giác và thậm chí mất thị lực, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, mùi vị và xúc giác.
Đồng nghiên cứu Sue Garrett, giảng viên cao cấp tại Khoa Chăm sóc sức khỏe ban đầu và Thực hành tổng quát của trường đại học, cho biết các cơn đau nửa đầu đang dẫn đến tình trạng lo lắng và trầm cảm. Những người được hỏi đã sử dụng những từ như 'khốn khổ' và 'tàn khốc' để mô tả tác động của tình trạng này và nó đang 'hủy hoại' cuộc sống của họ.
"Những người mắc chứng đau nửa đầu mãn tính mô tả chỉ sống nửa cuộc đời, cảm thấy bị cô lập, mắc kẹt, cô đơn và vô dụng. Chủ đề phổ biến là cảm giác chứng đau nửa đầu đang 'đánh cắp cuộc sống của họ'. Mọi người nói về 'những ngày tháng đã mất' và thời gian mà họ không bao giờ có thể quay trở lại,” cô nói.
Một số người được hỏi cho biết họ không thể làm việc hoặc học tập do phải nằm yên trên giường nhiều ngày cho đến khi cơn đau nửa đầu qua đi, trong khi những người khác cho biết họ không thể hoạt động hiệu quả tại nơi làm việc do suy giảm nhận thức và mệt mỏi.
Trong số những người vẫn còn khả năng làm việc được đã trả lời, một số cho biết họ dựa vào thuốc giảm đau cấp tính để vượt qua cơn đau trong thời gian làm việc, hoặc đề cập đến việc may mắn có được lịch làm việc linh hoạt nên họ có thể giảm giờ làm việc khi cần.
Không chỉ là 'đau đầu'
Imlach cho biết mặc dù gần một nửa đáp ứng các tiêu chí về tình trạng khuyết tật nghiêm trọng, nhưng nguồn hỗ trợ tài chính dành cho họ thông qua trợ cấp thất nghiệp hoặc khuyết tật là rất hạn chế.
Theo dữ liệu của Bộ Phát triển Xã hội từ tháng 6 năm 2022, chỉ 0,3% người trong độ tuổi lao động nhận trợ cấp dành cho người đang tìm việc (Jobseeker) hoặc trợ cấp khuyết tật nhận vì chứng đau nửa đầu hạn chế khả năng làm việc của họ.
Imlach gọi đó là điều “đáng ngạc nhiên khi xét đến mức độ phổ biến của chứng đau nửa đầu”.
Cô cho biết hầu hết những người tham gia khảo sát đều báo cáo rằng chứng đau nửa đầu “tác động tiêu cực đến khả năng làm việc của họ”, với 29% cho biết họ không thể làm việc hoặc chỉ có thể làm việc bán thời gian.
Imlach nói thêm rằng mặc dù chứng đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh có cơ sở di truyền hiện không thể "chữa khỏi", nhưng nhiều người được hỏi đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tìm cách điều trị - hoặc giảm tần suất hoặc cường độ - của các cơn đau nửa đầu.
"Mọi người muốn biết nguyên nhân hoặc gây ra cơn đau nửa đầu và thử tất cả các loại chế độ ăn kiêng và hạn chế. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện cho thấy rằng nhiều thứ được cho là nguyên nhân gây ra cơn đau nửa đầu - chẳng hạn như một số loại thực phẩm như phô mai hoặc sô cô la, ánh sáng đèn , tiếng ồn hoặc mùi nồng nặc – những yếu tố có khả năng là triệu chứng ban đầu của cơn đau nửa đầu sắp diễn ra," cô ấy nói
"Chúng tôi muốn mọi người dễ dàng tiếp cận các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng nghiên cứu hơn và có thể thực hiện tất cả những thói quen lành mạnh như ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên, đặc biệt quan trọng đối với những người mắc chứng đau nửa đầu."
Imlach lưu ý rằng sự hiểu biết kém đã dẫn đến sự kỳ thị và làm tăng mức độ khuyết tật ở những người mắc bệnh này.
Cô nói: “Đây là một tình trạng phức tạp và cần có sự hỗ trợ cũng như nhận thức tốt hơn về chứng đau nửa đầu cả trong cộng đồng và tại nơi làm việc vì nó không chỉ là 'một cơn đau đầu'”.
"Việc thừa nhận chứng đau nửa đầu là một tình trạng khuyết tật sẽ cho phép những người không thể làm việc tiếp cận các lợi ích và nhận được hỗ trợ tài chính cho chi phí điều trị phối hợp cùng các phương pháp làm việc mang tính hỗ trợ sẽ làm giảm căng thẳng liên quan đến công việc và cải thiện năng suất."
Imlach cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu chi phí kinh tế và xã hội của chứng đau nửa đầu ở Aotearoa New Zealand, bao gồm tác động của nó đối với các dịch vụ y tế và lợi ích của việc cải thiện khả năng tiếp cận các lựa chọn điều trị tốt hơn.
"Trên toàn cầu, người ta thừa nhận rằng chứng đau nửa đầu chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và thiếu kinh phí trong nhiều thập kỷ, nhưng mọi thứ đang được cải thiện ở các quốc gia khác. Đã đến lúc New Zealand bắt kịp."
Theo 1news.co.nz - Duong Nguyen