Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi đưa ra “quy tắc sử dụng điện thoại” cho con? Joanne Orlando - giáo sư, chuyên gia về giáo dục số đến từ Đại học Western Sydney ở Úc
Tỷ lệ sở hữu điện thoại ở trẻ nhỏ đang tăng lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều học sinh tiểu học sở hữu điện thoại thông minh và chúng đã trở thành tiêu chuẩn ở các trường học. Để đảm bảo con mình sử dụng điện thoại một cách có trách nhiệm và an toàn, cha mẹ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên kiểm tra điện thoại của con mình.
Khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên, sự giám sát của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy như bị xâm phạm quyền riêng tư. Cha mẹ nên cân nhắc những điều gì khi đặt ra “quy tắc sử dụng điện thoại” khi chúng lớn lên?
Sở hữu smartphone sớm
Cha mẹ mua điện thoại cho trẻ vì nhiều lý do.
Một số người cho rằng nó giúp đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt khi chúng đi học và về nhà một mình. Những người khác mua một chiếc sau khi chúng liên tục vòi vĩnh hoặc lo lắng con họ sẽ bị xa lánh về mặt xã hội nếu tất cả bạn bè cùng trang lứa đều có điện thoại.
Trong nghiên cứu của Joanne Orlando, một số người tỏ ra lo ngại khi cho con sử dụng điện thoại của mình vì sợ mất với các tập tin, dữ liệu quan trọng liên quan đến công việc.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng việc sử dụng điện thoại sớm có thể gây nghiện hoặc trẻ có thể tìm và truy cập những nội dung độc hại.
Vì vậy ở nhóm tuổi này, cha mẹ nên tập trung vào sự an toàn, giám sát nội dung và thời gian khi trẻ sử dụng điện thoại. Mặc dù việc giám sát đóng một vai trò quan trọng nhưng trọng tâm chính là trang bị kiến thức để trẻ có khả năng đưa ra những lựa chọn phù hợp, tự chủ và có trách nhiệm khi sử dụng điện thoại.
Việc giáo dục về an toàn khi sử dụng điện thoại nên bắt đầu ngay khi trẻ nhận được được điện thoại và liên tục trong quá trình phát triển của trẻ.
Tiêu chí đặt ra ở đây là trao đổi cởi mở vấn đề cùng nhau và tôn trọng. Điều này giúp chúng tiếp nhận và tự điều chỉnh phù hợp khi chúng trưởng thành.
Tiếp cận theo từng giai đoạn.
Trong năm đầu tiên, khi trẻ sở hữu điện thoại, cần chú trọng vào việc đảm bảo an toàn và sức khỏe khi sử dụng điện thoại.
Cha mẹ nên trò chuyện với trẻ về cách thức và thời gian sử dụng điện thoại, lý do tại sao không nên trả lời những tin nhắn và cuộc gọi không xác định, cẩn thận khi chia sẻ thông tin cá nhân và lịch sự khi tương tác trực tuyến. Hãy để trẻ biết rằng chúng luôn có thể nói chuyện với bạn nếu chúng có trải nghiệm kỳ lạ hoặc tồi tệ trên mạng.
Khám phá các ứng dụng thú vị, phù hợp mà trẻ có thể thích, chẳng hạn như ứng dụng trò chơi sáng tạo, âm nhạc hoặc trò chơi dựa trên khoa học hoặc các ứng dụng khác có thể hỗ trợ phát triển sở thích, trí não hoặc kỹ năng sống của chúng. Hãy cùng con bạn dùng thử các ứng dụng hoặc trò chơi để khám phá chức năng hoạt động như thế nào.
Điều chỉnh cách tiếp cận khi trẻ trưởng thành
Khi trẻ trưởng thành, sự hướng dẫn của cha mẹ cũng cần thay đổi theo.
Ở giai đoạn lớn hơn này, cha mẹ nên thường xuyên thảo luận cởi mở với con về sự an toàn, tôn trọng và trách nhiệm khi trực tuyến. Đặt câu hỏi cho con về trải nghiệm khi sử dụng điện thoại và luôn khuyến khích chúng yêu cầu giúp đỡ trong những tình huống khó khăn.
Cha mẹ cũng có thể cùng con mình khám phá những tiện ích, tính năng mới sẵn có trên điện thoại.
Ví dụ: trẻ và cha mẹ có thể sử dụng tính năng screentime để thảo luận và nhận thức về thói quen sử dụng điện thoại, cũng có thể bao gồm việc học cách sử dụng tốt máy ảnh và các tính năng của nó hoặc thử các ứng dụng mới (chẳng hạn như ứng dụng Creative Dawing) cho phép trẻ khám phá sở thích mới.
Việc thường xuyên kiểm tra điện thoại có thể gây ra sự ngờ vực giữa cha mẹ và con cái. Các cuộc trò chuyện thường xuyên giúp trẻ cởi mở và tạo niềm tin để trẻ có thể bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực khi sử dụng điện thoại.
Giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng
Áp dụng cách tiếp cận theo từng giai đoạn giúp con bạn phát triển các kỹ năng và giá trị cần thiết để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và độc lập.
Một số trẻ có thể cần nhiều hơn hoặc ít thời gian hơn trong giai đoạn đầu khi đặt nền móng. Phần lớn phụ thuộc vào sự trưởng thành của trẻ, môi trường gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, áp dụng cách tiếp cận rộng hơn và có khả năng thích ứng cũng sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về con mình với tư cách là người sử dụng điện thoại.
Điều này có thể giúp giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều bậc cha mẹ về điện thoại và con cái.
Theo 1news.co.nz - Pepper