Cụ thể, các sản phẩm này bao gồm trứng lỏng từ gà được nuôi trong lồng công nghiệp, thịt lợn từ lợn được giữ trong những chiếc chiếc chuồng chật hẹp được thiết kế để hạn chế sự di chuyển của động vật (thường đến mức chúng khó có thể quay lại hoặc nằm xuống một cách thoải mái), và len từ cừu bị mulesing (là một hình thức phẫu thuật, trong đó người ta loại bỏ các dải da có nếp gấp quanh mông và đuôi cừu, và thường không có thuốc gây mê. Cách làm này nhằm mục đích giảm nguy cơ bị ruồi tấn công bằng cách tạo ra một khu vực mịn hơn, ít lông hơn, nơi ruồi ít có khả năng đẻ trứng hơn, có thể ngăn ngừa ruồi tấn công một cách hiệu quả, nhưng gây đau đớn cho cừu)
Tất cả những phương pháp này đều bị cấm ở New Zealand vì chúng gây hại cho động vật.
Tổ chức Chính sách Động vật Quốc tế và Hiệp hội Luật Pháp về Động vật New Zealand (SPCA) đã công bố báo cáo, kêu gọi chính phủ mở rộng luật bảo vệ động vật, áp dụng cho tất cả các sản phẩm được bán ở New Zealand, bất kể các sản phẩm này được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ các nước khác.
Arnja Dale - giám đốc khoa học của SPCA (Hiệp hội phòng chống hành vi tàn nhẫn đối với động vật), bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về vấn đề này. Bà nhấn mạnh sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật mà người New Zealand mong đợi và những gì thực sự được nhập khẩu vào nước này. Bà đề nghị chính phủ nên thực hiện các quy định để đảm bảo rằng các sản phẩm động vật nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn phúc lợi giống như các sản phẩm được sản xuất ở New Zealand.
Rainer Kravets, đồng giám đốc điều hành của Tổ chức Chính sách Động vật Quốc tế, cho biết việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn phúc lợi động vật thấp hơn sẽ làm suy yếu các nguyên tắc và giá trị mà New Zealand đã ban hành, trong khi chính những nông dân New Zealand cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn này.
Theo Rainer Kravets điều này là cần thiết, bởi nó không chỉ bảo vệ các giá trị và nguyên tắc của người New Zealand mà còn duy trì danh tiếng của đất nước này với vị trí là một quốc gia đi đầu trong thực hành đạo đức.
Tác giả của báo cáo cảnh báo, rằng các hiệp định thương mại tự do trong tương lai có thể khiến thị trường New Zealand mở rộng cửa nhập khẩu cho những sản phẩm không đảm bảo quyền lợi động vật như đã đề cập.
Tuy nhiên, Andrew Hoggard, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phụ trách vấn đề quyền lợi động vật lại không đồng ý với việc áp dụng tiêu chuẩn New Zealand cho các sản phẩm nhập khẩu. Ông cho biết quan điểm lâu dài của New Zealand là tiêu chuẩn quyền lợi động vật phụ thuộc vào bối cảnh từng quốc gia và không nên hạn chế nhập khẩu dựa trên phương pháp sản xuất. Hoggard lập luận rằng, việc làm này có thể khiến New Zealand trở nên khác biệt với các quốc gia khác và có thể ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của New Zealand.
Thay vào đó ông chỉ ra các nỗ lực khác nhằm cải thiện tiêu chuẩn về quyền lợi động vật ở phạm vi quốc tế, như việc New Zealand là thành viên của Tổ chức Y tế Thú y Thế giới và ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do với Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu. Cả hai thỏa thuận này đều bao gồm các điều khoản về quyền lợi động vật, thừa nhận rằng mặc dù phương pháp nông nghiệp giữa các quốc gia có thể khác biệt, nhưng các tiêu chuẩn và hệ thống quyền lợi động vật tương ứng lại mang lại kết quả tương đương.
Báo cáo chỉ ra rằng:
- Hơn 90 phần trăm thịt lợn được nhập khẩu từ các quốc gia cho phép sử dụng chuồng lợn nái và chuồng sinh sản. New Zealand đã cấm sử dụng chuồng lợn nái vào năm 2016 và chính phủ đã thông qua các quy định để loại bỏ dần chuồng sinh sản vào năm 2025.
- Tất cả len được nhập khẩu vào năm 2022 đều đến từ Úc, nơi mulesing vẫn phổ biến. Ở New Zealand, việc thực hiện mulesing có thể dẫn đến án phạt hình sự.
- Hơn 80 phần trăm lượng trứng lỏng nhập khẩu trong năm 2022 đến từ Trung Quốc và Úc, nơi gà đẻ trứng có thể được nuôi nhốt trong lồng công nghiệp. Lệnh cấm của New Zealand bắt đầu có hiệu lực vào năm 2023.
- Hơn 70 phần trăm cá nhập khẩu đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Úc và Việt Nam - các quốc gia không có tiêu chuẩn quyền lợi nào về việc giết mổ. New Zealand có Mã Quyền lợi đối với động vật thủy sinh tại thời điểm giết mổ.
Theo rnz.co.nz - Tam Nguyen