Tác giả Dan Baumgardt (Khoa Khoa học đời sống, đại học Bristol) đã viết trên tạp chí The Conversation rằng chúng ta nên chú ý đến bất kỳ sự khác biệt nào mà chúng ta nhận thấy trên mái tóc của mình.
Mái tóc nói lên nhiều điều. Cách chúng ta cắt, kiểu dáng và màu sắc thường đóng vai trò đại diện cho mỗi người. Thế nhưng tóc không chỉ mang tính thẩm mỹ, nó cũng có nhiều chức năng quan trọng - chẳng hạn như ngăn ngừa sự mất nhiệt từ da, hoặc ngăn mồ hôi chảy vào mắt (lông mày).
Tóc cũng có thể phản ánh những gì đang diễn ra bên trong cơ thể. Nhiều bệnh có thể làm thay đổi chất lượng và diện mạo của tóc chúng ta. Việc chú ý đến vẻ ngoài của nó có thể cho chúng ta manh mối về tình trạng sức khỏe của mình.
Chu kỳ tóc
Các nang sản xuất và nuôi dưỡng tóc là một trong số những cơ quan nhỏ nhất của cơ thể. Tóc chỉ có thể mọc nơi nào có nang.
Sự phát triển của tóc là một quá trình phức tạp. Mỗi nang nhỏ trải qua các giai đoạn mang tính chu kỳ khác nhau. Đầu tiên là giai đoạn tóc phát triển tích cực (giai đoạn “anogen”), trước khi ngừng tăng trưởng (giai đoạn “catagen”). Sau đó, giai đoạn tóc bị rụng hoặc rụng khỏi nang (giai đoạn “telogen”).
Nhiều yếu tố - từ di truyền, nội tiết tố đến tuổi tác - có thể ảnh hưởng đến các nang tóc và sự phát triển của chúng.
Tăng trưởng tóc quá mức
Hypertriochosis là tình trạng lông tóc mọc quá mức khắp cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, đây là phản ứng khi chúng ta bắt đầu dùng một loại thuốc mới, chẳng hạn như phenytoin, được dùng để điều trị bệnh động kinh. Nhưng nó cũng có thể được gây ra bởi các bệnh như chán ăn và HIV.
Một số tình trạng bệnh lý cũng khiến tóc mọc ở những nơi đáng lý không nên có.
Ở trẻ sơ sinh, các búi tóc gần gốc cột sống có thể là dấu hiệu của bệnh nứt đốt sống ẩn. Điều này xảy ra khi đốt sống dưới của cột sống chưa được hình thành đúng cách, khiến tủy sống mỏng manh chỉ được bao phủ bởi da. Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được nguyên nhân gây của tình trạng này cũng như chưa hiểu rõ được hypertriochosis.
Rậm lông là một tình trạng khác khi lông mọc quá mức nhưng theo kiểu nam giới điển hình - trên mặt, môi, ngực và cánh tay. Điều này được thúc đẩy bởi sự tăng cường các nội tiết tố nam là androgen, cụ thể là testosterone, sẽ thúc đẩy sự phát triển của tóc ở những vị trí trên. Điều này có thể được quan sát thấy trong hội chứng buồng trứng đa nang (ở hội chứng này, phụ nữ thường có lượng hormone nam cao hơn).
Rụng tóc
Tóc cũng có thể bắt đầu rụng với số lượng bất thường, khiến tóc mỏng hơn hoặc không còn ở một số vùng trên cơ thể.
Thuật ngữ y học cho chứng rụng tóc là alopecia và tình trạng này có thể diễn ra cục bộ hoặc lan rộng. Nguyên nhân gây rụng tóc rất đa dạng và bao gồm nhiễm nấm, thiếu máu do thiếu sắt, nồng độ hormone tuyến giáp thấp và sử dụng thuốc (bao gồm cả hóa trị).
Tuổi tác, giới tính và di truyền cũng là nguyên nhân.
Chứng hói đầu ở nam giới xảy ra ở chân tóc và đỉnh đầu. Nó bị ảnh hưởng bởi hormone testosterone, làm rút ngắn giai đoạn phát triển của lông tóc và khiến chúng mịn hơn. Hầu hết nam giới bị chứng hói đầu sẽ bắt đầu rụng tóc ở độ tuổi 20-25.
Mặt khác, chứng hói đầu ở phụ nữ thường bắt đầu bởi phần chân tóc ở phía trước và gây ra tình trạng tóc mỏng hơn là rụng hoàn toàn.
Vai trò của testosterone còn gây tranh cãi ở phụ nữ, nhưng tình trạng tóc mỏng dần do nội tiết tố thường có liên quan đến thời kỳ trong và sau mãn kinh.
Rụng tóc cũng có thể xảy ra do kéo tóc. Kéo tóc quá mạnh trong quá trình tạo kiểu có thể làm mất đi tính nguyên vẹn của tóc. Một số người cũng hay có thói quen nhổ tóc. Điều này được gọi là trichotillomania.
Điều trị các vấn đề về tóc
Cách đơn giản đầu tiên là hãy tìm và điều trị nguyên nhân gây bệnh của tóc.
Một phương pháp điều trị khác cần cân nhắc là dùng thuốc minoxidil – thành phần hoạt chất của Rogaine. Ban đầu nó được nghiên cứu như một phương pháp điều trị huyết áp cao, nhưng cũng được quan sát là có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của tóc. Điều này có thể thông qua tác động trực tiếp lên nang tóc hoặc bằng cách cải thiện lưu lượng máu đến da đầu. Tuy nhiên chỉ một số thấy có tác dụng và một số người khác thì không.
Cấy tóc cũng là một khả năng, chuyển những sợi tóc đến những nơi có mảng hói. Có hai cách để thực hiện – một là theo nhiều mảnh nhỏ mà hai là một dải da lớn hơn. Các mảnh ghép được lấy từ da có lông trên cơ thể của chính bệnh nhân – đây là một ví dụ về ghép tự thân.
Đôi khi sự hiện diện của lông ở những vùng nhìn thấy được là điều không mong muốn và có một số phương pháp điều trị có sẵn để ngăn chặn sự phát triển quá mức của lông. Ngoài các phương pháp tẩy lông truyền thống, thuốc tránh thai và các loại thuốc khác điều chỉnh ảnh hưởng của nội tiết tố lên tóc (chẳng hạn như finasteride), có thể được xem xét trong trường hợp nguyên nhân là do tình trạng nội tiết tố (chẳng hạn như PCOS).
Kiểm tra mái tóc của chính bạn
Để hiểu rõ hơn về sức khỏe của tóc, bạn có thể tự mình thực hiện một bài kiểm tra đơn giản tại nhà, được gọi là kéo tóc.
Chọn một nhóm gồm khoảng 30-50 sợi tóc (một cụm nhỏ) và dùng ngón tay vuốt từ chân tóc ở da đầu lên đến ngọn.
Các bạn không cần phải kéo mạnh - chỉ cần kéo nhẹ nhàng. Hãy nhìn xem các bạn đã rút ra được bao nhiêu sợi tóc rụng.
Thông thường chỉ một hoặc hai sợi tóc sẽ rụng sau một lần kéo - nhưng điều này có thể khác nhau ở mỗi người.
Nếu số lượng tóc rụng lớn hơn 10 sợi nghĩa là có khả năng các bạn rụng nhiều tóc hơn bình thường. Điều này có thể gợi ý đến chứng rụng tóc – hãy đến các bác sĩ da liễu để được kiểm tra chi tiết hơn có thể giúp các bạn biết liệu tình trạng rụng tóc này có phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn hay không.
Những thay đổi trên mái tóc của bạn có thể không chỉ đơn giản là do tuổi tác hay cách bạn tạo kiểu tóc. Có nhiều kiểu mọc và rụng tóc cần lưu ý. Hãy chú ý đến bất kỳ sự khác biệt nào mà bạn hoặc thợ làm tóc nhận thấy.
Theo 1news.co.nz – Duong Nguyen