NGUỒN: 123RF |
Loại vi rút này có thể tồn tại trong môi trường từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi và thường gây tử vong cho những con chó chưa được tiêm phòng.
Nhiệt độ ấm hơn làm trầm trọng thêm sự lây lan và một số bác sĩ thú y cho biết họ đang gặp nhiều ca bệnh trong một tuần hơn mức thường thấy trong mùa hè.
Giám đốc phòng khám Thú y Māngere, cô Rachel (chỉ muốn sử dụng tên) cho biết có rất nhiều trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Parvo được gửi đến điều trị trong suốt 8 tuần qua, kể từ khi thời tiết ấm dần lên.
Cô nói: “Năm nay số lượng nhiễm bệnh tăng lên và chủng vi rút parvo đợt này có vẻ đặc biệt hung hãn, động vật có thể chết rất nhanh”.
Rachel cho biết năm nay họ nhận thấy cơ hội sống sót của các loài động vật nhiễm bệnh là dưới 50%.
Cô cho biết phòng khám nhận được 20 đến 30 cuộc gọi mỗi ngày để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng tiếp nhận khoảng 6 đến 8 trường hợp nhiễm vi rút parvo mỗi ngày vì nhiều chủ sở hữu không có đủ khả năng chi trả để điều trị.
Rachel cho biết sau các đợt phong tỏa vì Covid trước đây, số lượng chó chưa được triệt sản hoặc tiêm phòng tăng lên đáng kể, điều này càng làm tăng thêm sự lây lan của virus.
Cô nói: "Nếu những người nuôi chó không đủ khả năng để triệt sản cho chó hoặc tìm được một phòng khám thú y có thời gian để làm việc đó (bởi vì chỗ chúng tôi luôn kín lịch đặt trước), thì hậu quả là sẽ có rất nhiều chó con sinh ra mà cũng không được tiêm chủng”.
Số liệu của Hội đồng Auckland cho thấy số lượng chó trong thành phố đã tăng khoảng 15% kể từ năm 2019, từ 110.969 lên 128.645.
Hội đồng cho biết có thể có tới 70.000 con chó đang sống trong thành phố rộng lớn này chưa được đăng ký.
Hiệp hội Thú y New Zealand cho biết sự gia tăng số lượng chó con không mong muốn thời điểm trong và sau dịch Covid đã dẫn đến số lượng chó không được tiêm phòng ngày càng tăng - nhiều con trong số đó được thả rông, điều này làm tăng sự lây lan của vi rút parvo.
Hiệp hội thú y cũng cho biết nhiều người phải đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt cũng có thể đã bỏ qua việc tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi của họ.
Trong khi đó, các bác sĩ thú y của Lynfield đã tiếp nhận khoảng sáu trường hợp điều trị bệnh trong một tuần, so với một hoặc hai trường hợp cùng kỳ những năm trước.
Bác sĩ thú y Jolin Chia cho biết nhiều chủ sở hữu không đủ khả năng điều trị.
Cô nói: “Có thể sẽ tốn hơn 1000 đô một ngày nếu chú chó được chăm sóc đặc biệt và điều đó thậm chí không đảm bảo rằng con chó sẽ sống sót”.
Cô Chia cho biết bên cạnh đó còn nhiều chủ nhân thiếu nhận thức về việc tiêm phòng và cô cũng đã từng nhìn thấy một con chó mắc bệnh Parvo vì chủ nhân đã không tiêm phòng cho nó do quan điểm chống vắc-xin.
Phòng khám của cô đang nâng cao nhận thức về nguy cơ mắc bệnh Parvo trên mạng xã hội và cố gắng xóa bỏ thông tin sai lệch về vắc xin.
"Hy vọng rằng việc truyền thông sẽ giúp nhiều chú chó được tiêm chủng hơn, chúng tôi biết vắc xin có tác dụng và điều quan trọng nhất là tiêm đủ liều vắc xin cho chó con và tiêm mũi cốt lõi cuối cùng vào lúc 16 tuần tuổi trở lên để đảm bảo khả năng miễn dịch đó." cô ấy nói.
Các trường hợp nhiễm vi rút parvo ở Vịnh Hawke's
Hiệp hội phòng chống ngược đãi động vật (Society for the Prevention of Cruelty to Animals- SPCA) cho biết họ cũng đã nhìn thấy những con chó hoang bị nhiễm vi rút parvo khi đến nơi trú ẩn của chúng, đặc biệt là ở vùng Vịnh Hawke.
Họ cho biết họ đã phải tiêu hủy một số lượng chó con do mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của chúng và để bảo vệ những chú chó con dễ bị tổn thương khác tại trung tâm của họ.
SPCA đang nhắc nhở các chủ nhân tiêm phòng cho chó của họ.
“Chó con cần phải tiêm một loạt các vắc-xin trước khi chúng có thể được bảo vệ hoàn toàn khỏi vi-rút và phải tránh cho chúng ra những nơi công cộng không có sự kiểm soát hoặc không hiểu rõ về rủi ro cho đến thời điểm này”.
Trong một tuyên bố, tổ chức này cho biết: “Chó trưởng thành cũng dễ mắc bệnh và cần được bác sĩ thú y tiêm vắc xin nhắc lại thường xuyên cho bệnh Parvo”.
Theo rnz.co.nz – Duong Nguyen