Con gái của Dame Whina Cooper (một người rất được kính trọng vì đã đấu tranh cho quyền lợi của những người phụ nữ Māori) nói rằng một kho tàng ảnh lịch sử - bao gồm cả ảnh của người mẹ quá cố của cô - không nên rời khỏi Aotearoa.
Những bức ảnh này nằm trong hồ sơ lưu trữ thuộc về tờ báo Fairfax, được chuyển đến Mỹ như một phần của dự án số hóa xấu số và gần như bị vứt vào bãi rác sau khi công ty Mỹ phá sản.
Phòng trưng bày Duncan Miller ở Los Angeles - nơi chuyên về các bức ảnh thế kỷ 20 và 21 - đã lưu các bức ảnh này và từ đó đến nay đã tiến hành khôi phục và đưa chúng trở lại New Zealand.
Hinerangi Cooper-Puru, hiện đang sinh sống tại Panguru ở Northland, hoan nghênh khi nhận được thông tin rằng những hình ảnh đã được lưu lại và hàng nghìn bức ảnh về cuộc sống của người Māori từ đầu thế kỷ 20 hiện đã được bàn giao cho Thư viện Quốc gia New Zealand ở Wellington.
Tuy nhiên, cô lo ngại những bức ảnh có ý nghĩa lịch sử về người Maori vẫn được gửi ra nước ngoài mà không có sự cho phép của gia đình hoặc người dân New Zealand.
"Chúng tôi muốn hành động đó dừng lại. Điều này không được phép xảy ra nữa", cô nói.
"Họ định vứt bỏ những bức hình mà họ hy vọng có thể bán được, điều đó không tốt chút nào. Tôi lo ngại rằng chúng (những bức tranh) sẽ bị bán khỏi đất nước chúng ta”.
Cooper-Puru cho biết cô rất mong được xem những bức ảnh chụp của mẹ mình.
Chủ sở hữu người Mỹ biện hộ cho việc bán lại những bức ảnh
Chủ phòng trưng bày Daniel Miller cho biết việc phục hồi, lưu giữ những bức ảnh sau khi lấy chúng ra khỏi những bãi rác đã khiến doanh nghiệp của ông tốn rất nhiều tiền.
Ông đã biện hộ cho hành động bán lại những bức hình của người Maori trong bộ sưu tập cho Thư viện Quốc gia thay vì trả lại miễn phí.
Bộ sưu tập 5300 hình ảnh về người dân bản địa từng sinh sống tại vùng đất này (tangata whenua) được định giá độc lập ở mức 340.000 USD, nhưng Miller cho biết Thư viện Quốc gia đã mua được nó với giá thấp hơn thế.
Những bức ảnh này trước đây thuộc về sở hữu tư nhân và khi một công ty đưa chúng đến Mỹ, họ đã sử dụng những bức ảnh này để đảm bảo cho khoản vay trị giá 14 triệu USD mà họ nhận được từ ngân hàng, ông nói với tờ báo Morning Report từ Los Angeles, nơi ông đang sinh sống.
Miller cho biết ông đã trả cho ngân hàng sở hữu những bức ảnh "rất nhiều tiền" để mua và lưu giữ chúng.
"Không có gì là miễn phí và trên thực tế chúng tôi có bộ tác phẩm đặc biệt về hoạt động, sinh hoạt của người Maori, chúng tôi cũng đã định giá xong... Tôi đã thương lượng với thư viện, họ đã mua bộ này với giá thấp hơn đáng kể”.
"Chúng tôi đã nhận được những lời đề nghị từ những cá nhân sẵn sàng trả toàn bộ chi phí nhưng chúng tôi đã không đồng ý vì biết đó là điều sai trái”
Miller đồng ý rằng ông có toàn quyền thực hiện giao dịch đối với kho ảnh lớn khoảng 1,4 triệu bức ảnh.
Mọi nội dung về người Māori đều được tách ra khỏi phần còn lại của kho lưu trữ và ông ấy đã tự mình chuyển những thứ này đến Thư viện Quốc gia ở Wellington vào tháng trước.
Bộ ảnh bao gồm ba hộp lớn chứa 5300 bức ảnh. Ông chia sẻ ông đã đảm bảo mình phải có mặt ở sân bay từ sớm để có thể nói với nhân viên rằng những thứ chứa đựng trong đó quý giá như thế nào và cần phải trông chừng chúng như “trông trẻ” khi chúng qua cửa an ninh.
Ông cho rằng nếu lấy đi toàn bộ bộ sưu tập thì Thư viện Quốc gia sẽ choáng ngợp.
"Tôi sẽ rất vui nếu họ làm vậy - tôi đã hy vọng họ sẽ làm như vậy."
Tất cả các bức ảnh đang được chia thành nhiều chủ đề khác nhau.
Anh đã tiếp cận các Hiệp hội thể thao hàng đầu quốc gia bao gồm bóng bầu dục, bóng gậy cricket, quần vợt và gôn để xem liệu họ có quan tâm đến việc truy xuất lịch sử nhiếp ảnh về môn thể thao của mình hay không.
“Tuy chậm nhưng chúng tôi nhận thấy đã có những động thái từ họ”.
Theo rnz.co.nz - Duong Nguyen