Một bà mẹ ở Auckland đã buộc phải sống tạm bợ trong một chiếc lều nhỏ cùng hai đứa con mình sau khi ngôi nhà thuê của cô bị dán giấy đỏ niêm phong vì nguy cơ sụp đổ liên quan đến bức tường chắn do việc xây dựng từ các nhà thầu của chủ nhà.
Bốn ngày trước lễ Giáng sinh, cô Kirsty Maree sống ở Waiuku được thanh tra hội đồng thông báo rằng cô có 48 giờ để rời khỏi nhà, nếu không cô sẽ phải đối mặt với khoản phạt 200.000 đô.
Cô vội vã chuyển tất cả đồ đạc của mình vào kho và rất cần một nơi nào đó để cho đứa con 7 và 10 tuổi của mình ngủ, thế nên cô đã đăng tin trên mạng xã hội để tìm một chiếc lều.
Maree đã tìm kiếm trong danh sách những ngôi nhà cho thuê, nhưng vì khắp nơi đều đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ nên chiếc lều bạt màu xanh dựng trên bãi cỏ đã trở thành nhà của cô.
Cô ấy đã cố gắng hết sức để tỏ ra dũng cảm vì lợi ích của các con mình.
“Tôi đã cố gắng để chúng không thấy tôi buồn, nhưng ngày Giáng sinh thì không giống thường ngày và tôi không thể giả vờ hay tỏ ra vui vẻ”.
“Tôi đã hứa với chúng rằng chúng tôi sẽ đi cắm trại trong năm nay, nhưng không phải như thế này.”
Nhân viên Hội đồng đã thay ổ khóa nhà cô, nhưng Maree vẫn tiếp tục thanh toán hóa đơn tiền điện để cô có thể sử dụng tủ lạnh đặt trong nhà kho. May mắn thay, còn có một nhà phụ bên ngoài.
Ngôi nhà của Maree từng ở là một biệt thự trăm năm tuổi với điểm nổi bật là mái nhà màu xanh lá cây tươi sáng trên một khu đất rộng nhìn ra bùng binh sầm uất gần thị trấn Waiuku.
Chủ sở hữu ngôi nhà và cũng là chủ đất, ông Paramjit Mehami, đã dự kiến phát triển thêm hai ngôi nhà và một cơ sở chăn nuôi bò sữa trên khu vực này, nhưng dự án đã bị dừng lại vào cuối năm ngoái.
Vào tháng 12 năm ngoái, các thanh tra hội đồng đã đưa ra một thông báo nói rằng bức tường chắn cao 1,5m liên quan đến dự án phát triển không đủ để hỗ trợ ngôi nhà của Maree.
Một bức tường chắn lớn hơn, chắc chắn hơn đã được đề xuất, nhưng công việc đào đất tiếp theo kéo dài nhiều tháng đã khiến bức tường mất ổn định, khiến khu nhà có nguy cơ bị sập.
Thông báo cho biết: “Những cái hố đào rất lớn và rất sâu, đồng thời bị bỏ trống và không có rào chắn, nguy cơ lớn hơn là một ai đó có thể bị thương hoặc thiệt mạng nếu rơi xuống chúng”.
Mehami nói với phóng viên Stuff rằng anh đã tổn thất nửa triệu đô la vì dự án phát triển thất bại. Anh ấy nói rằng mình đã trả lại tiền thế chân cho Maree và anh ấy không thể làm gì hơn cho cô ấy.
"Chúng tôi có thể làm gì được? Bởi vì gia đình họ nói rằng họ cần một cái lều nên chúng tôi đã gửi tiền cho họ rồi…”
“[Cô ấy] có tiền từ phúc lợi xã hội... Người thuê nhà có thể gọi đến phúc lợi xã hội và họ có thể tìm được một ngôi nhà.”
Mehami cho biết tình huống này xảy ra vì chủ thầu xây dựng của anh đã “biến mất” và không “kiểm tra chất lượng” bức tường chắn.
Ngoài căn biệt thự được dán niêm phong nguy hiểm, hai công trình kiến trúc mới nằm trong dự án phát triển cũng đã bị phá bỏ.
Maree cho biết cô rất thất vọng vì cách chủ nhà đối xử với mình. Cô cho biết cô đã yêu cầu anh trả lại tiền thế chân nhiều lần đến nỗi giờ anh đã chặn số điện thoại của cô.
Angela Maynard thuộc Hiệp hội Bảo vệ Người thuê nhà nói rằng người thuê nhà trong hoàn cảnh của Maree phải nộp đơn lên Tòa án thuê nhà (Tenancy Tribunal) để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và yêu cầu thẩm phán xem xét vụ việc.
Maynard nói rằng thông thường, chủ nhà sẽ cần tìm chỗ ở cho người thuê trong trường hợp ngôi nhà cần sửa chữa khiến người thuê tạm thời không thể ở lại đó.
Nếu ngôi nhà sắp được tân trang lại hoặc bị phá bỏ, vẫn cần phải thông báo 90 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Maynard cũng động viên bất kỳ ai đang sống trong lều hãy nộp đơn đến tổ chức xã hội “Việc làm và Thu nhập” (Work and Income- WINZ) để có chỗ ở trong tình trạng khẩn cấp.
Maree cho biết cô đã nộp đơn lên Tòa án thuê nhà nhưng dự kiến sẽ kéo dài vài tháng trước khi cô nhận được phiên điều trần.
“Không có số tiền nào có thể bù đắp được những gì đã xảy ra. Điều quan trọng với tôi là trách nhiệm giải trình.”
Theo stuff.co.nz – Duong Nguyen