Bộ trưởng Ngoại giao Nanaia Mahuta cho biết New Zealand sẽ trợ cấp 1,5 triệu đô la cho Türkiye và Syria sau trận động đất kinh hoàng đã ảnh hưởng đến hai quốc gia này.
Khoản đóng góp sẽ được chuyển cho Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với 1 triệu đô la sẽ được chi cho Türkiye và 500.000 đô la cho Syria.
Ông Mahuta cho biết khoản viện trợ này sẽ bao gồm các mặt hàng cứu trợ thiết yếu như thực phẩm, lều và chăn, đồng thời hỗ trợ y tế và hỗ trợ tâm lý.
Bộ trưởng chia sẻ New Zealand vô cùng đau buồn trước những thiệt hại về người và sự tàn phá mà họ phải trải qua.
Thông báo này được đưa ra sau lời kêu gọi hành động quan tâm của quốc tế đối với thảm họa tử Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã đáp lại bằng những lời đề nghị giúp đỡ, nhưng việc đóng cửa các sân bay khiến việc đưa viện trợ vào khu vực trở nên khó khăn hơn.
“Chúng tôi đang góp phần vào sự nỗ lực toàn cầu để hỗ trợ những quốc gia ở vùng trung tâm của thảm họa,” Mahuta nói.
"Bằng cách đóng góp trực tiếp lời kêu gọi của IFRC, lực lượng cứu hộ tại chỗ có thể nhận được viện trợ bổ sung ngay lập tức."
Bà cho biết nhà chức trách sẽ tiếp tục theo dõi các nhu cầu nhân đạo cần thiết và đánh giá các lựa chọn để hỗ trợ thêm.
Bất chấp những căng thẳng chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ, khi mối quan hệ hợp tác giữa các nước rất căng thẳng, cả hai nước Hy Lạp và Thụy Điển đều đề nghị hỗ trợ, Israel cho biết họ sẽ gửi viện trợ nhân đạo tới Syria - mặc dù Syria đã từ chối đưa ra yêu cầu.
Các quốc gia bao gồm Mỹ và Hàn Quốc cũng đang gửi viện trợ.
Thủ tướng Chris Hipkins đã dành một chút thời gian để chia buồn trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc Anthony Albanese chiều nay.
"Ở New Zealand, chúng tôi được nghe tin về động đất và ảnh hưởng đáng kể có thể gây ra cho người dân," Hipkins nói. "Chúng tôi đồng cảm với họ."
Albanese cho biết chính phủ của ông sẽ cung cấp khoản viện trợ bước đầu 10 triệu đô la cho các tổ chức nhân đạo.
Ông nói: “Sự viện trợ của Úc sẽ đến với những người đang rất cần sự giúp đỡ ”.
Tiếp tục tìm kiếm những người sống sót
Các đội cứu hộ từ khắp nơi trên thế giới đã được triển khai khẩn cấp để giúp tìm kiếm những người đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, vì vài giờ tới sẽ là thời điểm mấu chốt cho sự sống còn của họ.
Chiến dịch cứu hộ vẫn đang được tiến hành trên phần lớn miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria sau trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ xảy ra gần Gaziantep hôm thứ Hai.
Cơ quan thiên tai của nước này cho biết tính riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 2900 người đã thiệt mạng và hơn 15.000 người bị thương sau trận động đất đầu tiên.
Hơn 1400 người thiệt mạng ở Syria.
Nhiều người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi nhà của họ bị phá hủy.
Chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, gần 5.000 tòa nhà đã bị san bằng.
Trong khi những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát vẫn tiếp tục kêu cứu thì nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, tuyết cộng thêm mưa đang cản trở nỗ lực tìm kiếm những người sống sót trong đêm ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một người đàn ông ở Hatay, thuộc một tỉnh ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã mô tả sự chờ đợi lực lượng cứu hộ trong đau đớn với Reuters.
"Các nạn nhân mắc kẹt bên dưới đống đổ nát kêu cứu nhưng không có ai đến," Deniz nói, siết chặt bàn tay trong bất lực.
"Chúng tôi rất tuyệt vọng. Chúa ơi... Họ đang kêu cứu. Họ đang nói, 'Cứu chúng tôi với', nhưng chúng tôi không thể giúp được gì.... Không một nhân viên cứu hộ nào xuất hiện kể từ buổi sáng."
Trong khi đó, tại Syria, Raed al-Saleh của White Helmets - một tổ chức cứu hộ trong lãnh thổ do phiến quân kiểm soát - cho biết họ đang trong "cuộc chạy đua với thời gian để cứu mạng sống của những người dưới đống đổ nát".
Không có trường hợp tử vong ở New Zealand được báo cáo
Bộ Ngoại giao và Thương mại (MFAT) cho biết có 29 người New Zealand đăng ký trên SafeTravel là đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
MFAT cho biết không có thông tin nào cho thấy có người dân New Zealand bị ảnh hưởng bởi trận động đất vào thời điểm này.
Người phát ngôn cho biết Đại sứ quán New Zealand tại Ankara đã liên hệ với chính quyền địa phương để xác định xem có người New Zealand nào bị ảnh hưởng hay không.
So sánh với Kaikōura
Nhà khoa học nghiên cứu về động đất của Đại học Otago Mark Stirling nói với Midday Report rằng trận động đất mạnh 7,8 độ richter ban đầu có thể so sánh với trận động đất Kaikōura năm 2016 ở New Zealand.
Nhưng có một sự khác biệt rõ rệt về số người thiệt mạng.
Hơn 4300 người hiện được thông báo đã thiệt mạng trong trận động đất. Nhiều người bị thương hơn, nhiều người mất tích hơn.
Ngược lại, trận động đất Kaikōura có hai trường hợp tử vong liên quan.
Giáo sư Liam Wotherspoon của Đại học Auckland cho biết đó là do chất lượng xây dựng các tòa nhà.
Ông cho biết ở New Zealand có các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất và các vật liệu linh hoạt hơn được sử dụng để ngăn các tòa nhà sụp đổ.
Ông cho biết ngược lại, các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũ hơn, dễ sụp đổ hơn và một số cấu trúc không còn vững chắc do tác động của chiến tranh.
Theo RNZ / BBC / Reuters - Lan Trinh